Xây dựng và phát triển văn hóa, con người luôn được quan tâm
(BDO)
Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thứ 2 từ trái sang) trao giấy khen cho các gia đình tiêu biểu tại Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ
Việc Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội thảo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh với hơn 50 nhà khoa học, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tại các trường đại học, viện nghiên cứu của một số tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ tham gia đủ nói lên sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các cấp ngành về công tác văn hóa, trong đó lấy con người làm trọng tâm.
Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết 33), Tỉnh ủy Bình Dương đã xây dựng Chương trình hành động số 88 CTHĐ/TU nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33 với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện sát, hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Các tham luận của hội thảo giúp đánh giá tổng quan về nội dung xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong người Bình Dương phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Theo tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, cần lưu ý những vấn đề chính của Nghị quyết 33 để tránh “lạc lối”, mù mờ trong việc tìm hiểu, thực hiện các vấn đề liên quan đến văn hóa, con người. Nghị quyết 33 xác định rõ mục tiêu là xây dựng nền tảng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nghị quyết 33 cũng xác định rõ văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Về xây dựng con người, cần chú trọng về nhân cách, lối sống đẹp, có các đặc tính cơ bản như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… Trong bài tham luận của mình, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng cũng đã đưa ra những nhận xét rất thú vị về người miệt vườn, công nhân và thị dân ở Bình Dương. Và, một tỉnh phát triển công nghiệp thì cũng cần có công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa Bình Dương trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển thành phố thông minh, gia nhập cộng đồng thông minh. “Khảo sát và phân tích khoa học để xác định quy mô, trình độ, hướng phát triển của thị trường văn hóa ở Bình Dương. Từ đó có hướng tổ chức công nghiệp văn hóa Bình Dương phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường văn hóa đó. Một Bình Dương công nghiệp đô thị với xấp xỉ 2 triệu dân chắc chắn đã có trong nó một thị trường văn hóa bên cạnh các thị trường khác. Ta không được phép làm ngơ mà phải tiếp cận và đáp ứng các cung, cầu của thị trường này”, tham luận của tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng nêu rõ.
Văn hóa cũng là một trong 4 trụ cột của phát triển bền vững (cùng với chính trị, kinh tế và môi trường). Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, phong phú, đa dạng và tinh tế. Văn hóa thấm sâu vào tất cả các mặt của đời sống xã hội, đến từng người, từng gia đình, mọi lĩnh vực, các ngành, các cấp. Thực tế cho thấy văn hóa chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng, chưa phát triển tương xứng với yêu cầu đề ra. Trọng tâm của phát triển văn hóa là con người và môi trường văn hóa. Để Bình Dương phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được còn nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội với nguyên nhân chính là sự phát triển không đồng đều giữa kinh tế, văn hóa và con người. Đó cũng là ý kiến của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (TP.Hồ Chí Minh) đề ra trong tham luận “Xây dựng văn hóa - con người: Chìa khóa đưa Bình Dương phát triển bền vững”.
Các báo cáo, tham luận như “Tổng quan về kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Bình Dương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, “Tổng quan về xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong người Bình Dương phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế của tỉnh”, “Xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”… cũng đã đưa ra nhiều vấn đề lấy văn hóa, con người làm trọng tâm. Phát triển văn hóa, phát triển con người là phát triển về nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, có trách nhiệm với gia đình, bản thân, với cộng đồng, xã hội, với đất nước... Đó cũng là mục tiêu mà tất cả chúng ta cùng hướng tới để có cuộc sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn.
QUỲNH NHƯ