Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề

Thứ ba, ngày 18/02/2020

(BDO) Hình thành từ cuối thế kỷ XVIII, làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) đã nổi tiếng một thời ở trong nước và trên thế giới. Nét đẹp truyền thống của sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ chính là sự tinh xảo, thanh thoát trong mỗi chi tiết, đường nét. Với những giá trị riêng có của mình, sản phẩm sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp trải qua hàng trăm năm vẫn được gìn giữ và phát triển không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn trở thành một di sản văn hóa đáng trân trọng.

Tuy nhiên, hiện nay không chỉ riêng làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp mà sản phẩm của một số làng nghề truyền thống khác đang gặp phải không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đang đứng trước ngõ cụt, nguy cơ mai một, thất truyền. Nguyên nhân do sản phẩm làm ra không tiếp cận được với thị trường đa dạng mà chỉ quanh quẩn phục vụ nhu cầu người dân địa phương nên không phát huy hết giá trị, giá thành thấp…

Theo đánh giá của các ngành chức năng, để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề là rất cần thiết, quan trọng. Không có thương hiệu sẽ không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là đòi hỏi cấp thiết. Cùng với đó là phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mỗi địa phương, mỗi làng nghề cần có cái nhìn toàn diện và quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Câu chuyện các làng nghề truyền thống không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có nhiều nguyên nhân mà có lẽ nguyên nhân đầu tiên phải nói đến chính là tâm lý “dựa dẫm vào truyền thống”. Vì cứ nghĩ rằng nghề của mình có truyền thống lâu đời nên sẽ được nhiều người biết đến, mà bỏ quên việc xây dựng thương hiệu. Thêm vào đó, còn tồn tại việc các làng nghề không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là do lối sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, phần nhiều là kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên sự gắn kết giữa các hộ sản xuất trong làng nghề không có hoặc chưa cao. Từ thực tế đó, phải khẳng định muốn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề, trước mắt cần nâng cao nhận thức của làng nghề về tầm quan trọng của thương hiệu. Làng nghề cần xác định thương hiệu là vũ khí cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng thương hiệu trước tiên là sự đầu tư để mang lại những sản phẩm có chất lượng, thể hiện uy tín của đơn vị sản xuất, kinh doanh...

NHẬT HUY