Xây dựng thương hiệu nông sản: Nông dân đang gặp khó

Thứ hai, ngày 15/08/2016

(BDO) Bên cạnh vườn trái cây Lái Thiêu nức tiếng cả nước, những năm qua, người nông dân trong tỉnh còn gây dựng nên những vùng cây ăn trái với quy mô hàng ngàn ha. Điển hình như vùng trồng ổi ở huyện Bàu Bàng, cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên…

Cần sự nỗ lực từ các bên để xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh nhà. Trong ảnh: Vùng chuyên canh cây có múi tại xã Hiếu Liên, huyện Bắc Tân Uyên Ảnh: PHÙNG HIẾU

Chi phí còn cao

Hiện nay, tại TP.Thủ Dầu Một có nhiều gia đình trồng lan với quy mô lớn. Theo đại diện Câu lạc bộ Hoa lan Bình Dương, loài hoa này có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thế nhưng, khi bàn tới việc xây dựng thương hiệu cho hoa lan Bình Dương, các nghệ nhân và người trồng lan trong tỉnh lại tỏ vẻ dè chừng.

Ông Nguyễn Thành Có, ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, nơi vùng chuyên canh cây có múi với quy mô lớn nhất của cả tỉnh cho biết, hiện nay người trồng cây ăn trái trong xã đang gặp khó khi xây dựng thương hiệu cây có múi Hiếu Liêm vì chi phí xây dựng, quảng bá lớn, quá khả năng của nhiều gia đình. Hiện nay, vùng cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên với diện tích hơn 1.200 ha đã có đầu ra ổn định, nhờ các hộ hợp đồng tiêu thụ trái cây lâu dài với thương lái đến từ các tỉnh phía Bắc. Tuy vậy, Bắc Tân Uyên là một trong số ít địa phương ở tỉnh được thương lái bảo đảm đầu ra ngay từ khi “hoa đậu thành trái”.

Anh Nguyễn Văn Thành, ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng chia sẻ, thổ nhưỡng vùng đất Trừ Văn Thố rất thích hợp với giống ổi lê Đài Loan. Thế nhưng, việc quan tâm nhất của anh và những người trồng ổi ở địa phương hiện nay chính là đầu ra ổn định cho ổi.

Cần phát huy nội lực

Hiện nay, các nhà vườn đang lệ thuộc quá nhiều vào thương lái nên việc xây dựng thương hiệu cho các vùng cây trái, hoa kiểng của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, việc các nhà vườn chỉ chú trọng đầu ra cho sản phẩm là hình thức làm ăn manh mún, không chuyên nghiệp. Bài học đánh mất thương hiệu đối với các loại đặc sản nông nghiệp của Việt Nam đã diễn ra, thế nhưng nhiều người nông dân, ngành chức năng xem ra vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm.

Thực tế cho thấy, thanh long Bình Thuận, quýt Cài Bè, bưởi Bạch Đằng… vốn nổi tiếng trong nước đã được các thương lái thu mua xuất khẩu sang Thái Lan, Trung Quốc… Tại đây, các doanh nghiệp nước ngoài phù phép thành trái cây đặc sản của nước họ để sau đó bán ra thị trường có nguồn lãi vô cùng lớn. Trong khi đó, chính những người nông dân trong tỉnh làm ra những đặc sản với bao tâm huyết, trí tuệ, sức lực lẫn tiền bạc… chỉ được hưởng lợi một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng sản phẩm ra thị trường thế giới. Nói một cách hình tượng là họ chỉ “làm công ăn lương khoán” ngay trên mảnh đất của mình. Chưa nói đến thị trường xuất khẩu, ngay thị trường nội địa, đặc sản bưởi Bạch Đằng, ổi Trừ Văn Thố… đã dễ dàng bị các thương lái phù phép thành bưởi Thái, ổi Hàn Quốc… bán ra ngay tại thị trường Bình Dương.

Hiện nay, Bình Dương đang chú trọng đầu tư xây dựng nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu, đưa đặc sản này lọt vào top 50 đặc sản cây trái của Viêt Nam. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng đã lên kế hoạch tiếp tục xây dựng những nhãn hiệu tập thể tại một số vùng chuyên canh cây ăn quả trong tỉnh. Theo ý kiến của nhiều hộ nông dân trong tỉnh, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các vùng chuyên canh cây ăn quả để tạo nên thương hiệu trái cây Bình Dương là việc làm hết sức cần thiết. Để làm được điều này, các ngành chức năng cần tích cực hỗ trợ nông dân tìm đầu ra ổn định, bớt lệ thuộc vào thương lái nước ngoài…

 

 XUÂN VĨ