Xây dựng thương hiệu măng cụt Dầu Tiếng

Thứ hai, ngày 21/08/2017

(BDO) Từ nhiều năm nay, mô hình phát triển vườn cây ăn quả, đặc biệt là măng cụt trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã phát huy hiệu quả tốt. Để hỗ trợ phát triển vườn cây, từng bước xây dựng nhãn hiệu tập thể măng cụt huyện Dầu Tiếng, nhiều hộ nông dân đang được hỗ trợ tích cực từ Dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản và Dự án phát triển cây măng cụt kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền.

 Thực hành quy trình sản xuất sạch

Theo số liệu thống kê của UBND xã Thanh Tuyền, tổng diện tích măng cụt toàn xã đến nay khoảng 117 ha, trong đó vườn măng cụt cho trái khoảng 80 ha, còn lại 37 ha đang trong thời kỳ chăm sóc. Từ năm 2011, các nhà vườn trồng măng cụt tại xã Thanh Tuyền đều đăng ký tham dự hội thi “Trái ngon - An toàn Nam bộ” tại Khu du lịch Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh) và đều đạt các giải thưởng cao. Điều này cho thấy, măng cụt Thanh Tuyền rất có tiềm năng để phát triển, trở thành loại cây đặc sản của Dầu Tiếng.

Phát triển vườn cây ăn quả đặc sản măng cụt nhằm từng bước xây dựng thương hiệu măng cụt huyện Dầu Tiếng. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Cang, xã Thanh Tuyền đang chăm sóc vườn măng cụt của gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Tuy nhiên, việc phát triển cây măng cụt ở Thanh Tuyền vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là mật độ trồng còn dày và quy trình canh tác còn theo kinh nghiệm là chính và chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, năng suất vườn cây còn thấp so với tiềm năng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu và không đồng bộ.

Để phát huy lợi thế vốn có của xã, tạo điều kiện hình thành vùng cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao, hỗ trợ cho du lịch phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Thanh Tuyền nói riêng và toàn tỉnh nói chung, UBND tỉnh đã thông qua Dự án Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản (măng cụt) xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016- 2018. Thực hiện dự án này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã và Hội Nông dân xã Thanh Tuyền đã tiến hành khảo sát, chọn điểm các hộ trồng cây măng cụt trên địa bàn đáp ứng được tiêu chí để tham gia dự án. Qua khảo sát, tổ điều hành dự án đã chọn và xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cây măng cụt theo VietGAP với tổng diện tích 22 ha/37 hộ; tuổi vườn cây trung bình khoảng 17 năm tuổi.

Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái, nhưng kể từ khi chuyển đổi, tham gia mô hình trồng măng cụt VietGAP, ông Nguyễn Văn Cang, ở xã Thanh Tuyền mới thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình chuyên canh. Hiện tại, vườn cây của ông phát triển tốt, trung bình mỗi ha măng cụt của ông cho năng suất hơn 2 tấn, mỗi kg được thương lái thu mua khoảng 40.000 - 60.000 đồng, mang lại cho gia đình ông thu nhập ổn định. Ông Cang chia sẻ, vừa qua, khi tham gia hội thi “Trái ngon - An toàn Nam bộ”, nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch VietGAP, chất lượng trái ngày càng ngon nên măng cụt của gia đình ông đã giành được giải nhất.

Sau hơn 1 năm triển khai Dự án Phát triển vùng cây ăn quả đặc sản (măng cụt) xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2018 đã từng bước hướng người dân trồng, chăm sóc cây măng cụt theo đúng quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng trái măng cụt, bảo bảo sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, dự án đã chứng nhận được 6,6 ha măng cụt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của 9 hộ (đạt 220% so với mục tiêu của dự án).

Ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, đối với huyện, măng cụt là loại cây đầu tiên trên địa bàn được chứng nhận VietGAP. Đây là một dấu mốc quan trọng để dần dần đưa các loại cây trồng khác tiếp tục phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên sự liên kết trong sản xuất từ các hộ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu cho cây măng cụt huyện Dầu Tiếng. Song song đó, xã Thanh Tuyền cũng đang triển khai dự án phát triển vườn cây măng cụt kết hợp với du lịch sinh thái. Địa phương cũng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai thực hiện các bước tiếp theo của Dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể măng cụt huyện Dầu Tiếng,

Phát triển vườn cây đặc sản gắn với du lịch sinh thái

Xã Thanh Tuyền nằm ở phía Nam của huyện Dầu Tiếng, dọc theo sông Sài Gòn khoảng 12km, là tâm điểm giữa Địa đạo Củ Chi và hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra, Thanh Tuyền còn có tuyến đường bộ và đường thủy chạy song song với nhau nên giao thông rất thuận lợi. Đặc biệt, thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này những vùng đất phù sa bồi đắp khá phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả. Nắm bắt lợi thế đó, huyện Dầu Tiếng đã có chủ trương phát triển xã Thanh Tuyền thành vùng chuyên canh cây măng cụt nhằm phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, tạo thương hiệu sản phẩm măng cụt, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Lưu Vĩnh Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền chia sẻ, theo Nghị quyết của Đảng bộ xã Thanh Tuyền, trong giai đoạn 2015-2020 địa phương sẽ tập trung thực hiện Dự án Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản Măng cụt gắn với khu du lịch sinh thái. Không những quy hoạch phát triển cây ăn trái, địa phương đã liên kết với Ban quản lý Địa đạo Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) mở rộng địa đạo qua địa bàn nhằm triển khai dự án. Với sự nỗ lực của địa phương, cộng với sự đồng thuận của nhân dân trong xã, dự án đang có nhiều thuận lợi, tạo thương hiệu sản phẩm măng cụt và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Từ đất bỏ hoang hoặc đất trồng cây ăn trái không hiệu quả trước đây, nay nhiều vườn măng cụt đã xuất hiện ở xã Thanh Tuyền. Nếu kết hợp thành công, vườn cây ăn trái kéo theo du lịch sinh thái sẽ tạo cơ hội để người dân nơi đây có thêm thu nhập, làm giàu từ vườn cây. Và từ đó, Bình Dương sẽ có thêm thương hiệu măng cụt Thanh Tuyền, cây thơm trái ngọt đặc sản.

 QUỲNH NHIÊN