Xây dựng thương hiệu “Làng nghề Bình Dương”
Kỳ 2: Tiến độ thực hiện còn chậm!
> Kỳ 1: Giải pháp khoa học, khả thi
Sau 2 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT) tỉnh Bình Dương đến năm 2020, đến nay đã đạt một số kết quả nhất định. Song nhìn chung, tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là các dự án ưu tiên… vẫn rất chậm!
Những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Dương được công nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực
Kết quả bước đầu
Từ sau khi triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển NNNT, một số thương hiệu mới đã “lên ngôi”. Đầu tiên là thương hiệu “Bưởi Bạch Đằng” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể ngày 23- 6-2011 cho 5 loại bưởi đang được trồng và phát triển tại xã Bạch Đằng (Tân Uyên) bao gồm bưởi đường da láng (bưởi đường núm), bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh và bưởi da xanh. Vào năm 2012, để trả lại vẻ đẹp “Lộng lẫy huỳnh quang, vàng son rực rỡ” (Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức) của sản phẩm Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm sơn mài Bình Dương trong nước và cả thị trường quốc tế, Sở Khoa học - Công nghệ Bình Dương phối hợp với các ngành, các cấp cùng Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương triển khai thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Sơn mài Bình Dương”.
Đặc biệt, qua đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) năm 2012, đã có 12 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT cấp tỉnh. Đó là sản phẩm Salon HAWAISET của Công ty TNHH TM SX-XNK Tuấn Linh (Tân Hiệp, Tân Uyên); tranh đồng “Long lân quy phụng” của Cơ sở tranh đồng Minh Nhàn (Chánh Lộc, Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một); bình cắm hoa 2 trong 1 (vừa trang trí, vừa làm ghế ngồi), chậu hoa lục bình, trang trí phòng khách của Hợp tác xã (HTX) mây tre lá Ba Nhất (Uyên Hưng, Tân Uyên); dây nịt, ví nam da cá sấu, da trăn của Công ty CP TMĐT trăn, cá sấu Ngọc Sơn (Bình Quới A, Bình Chuẩn, Thuận An); bình sơn mài cẩn tre, vỏ cây; tranh sơn mài chùa Một Cột; tranh sơn mài cẩn cá vàng (cẩn vỏ cây, tre) của Công ty Sơn mài Thanh Long (Tân An, TP.Thủ Dầu Một); 2 bộ bình chai để sàn của Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một). Có 6 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và đang làm thủ tục gửi tham dự bình chọn sản phẩm CNNT cấp quốc gia.
Trong năm 2013, 4 nghệ nhân Bình Dương được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú gồm các ông Lý Ngọc Minh, Công ty TNHH Minh Long I; ông Lý Ngọc Bạch, Công ty TNHH Cường Phát (Hiệp hội Gốm sứ); ông Nguyễn Hữu Sang (sơn mài) và ông Trần Văn Khiêm (điêu khắc gỗ) thuộc Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương.
Gây trồng sinh vật cảnh, nghề mới nằm trong nhóm nghề ưu tiên phát triển của tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Nhà vườn Thuận An đang tạo dáng bonsai
Thành bại là từ cơ sở
Sau gần 2 năm ra Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển NNNT (14-11-2011), vào ngày 2-4-2013, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị 02/2013/ CT-UBND về việc phát triển NNNT tỉnh Bình Dương. Chỉ thị nêu rõ, do công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện phát triển NNNT tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nên NNNT có quy mô nhỏ, điểm xuất phát thấp và chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế (5%). Để thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển NNNT tỉnh Bình Dương bền vững, khắc phục những tồn tại, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là đầu mối thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực NNNT, cần năng động tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh hợp tác xã. Sở NN&PTNT có trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển NNNT tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác.
Chỉ thị 02/2013/CT-UBND nêu rõ vai trò quyết định và chịu trách nhiệm về việc phát triển NNNT là các thủ trưởng. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NNNT chịu trách nhiệm thi hành chỉ thị về việc phát triển NNNT. Giao Sở NN&PTNT là đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo về Sở NN&PTNT tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Do thời gian qua các địa phương tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, mà chưa quan tâm đúng mức, nếu không nói là bỏ quên mảng làng nghề, cũng như các NNNT, nên lần này, UBND tỉnh đã đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của UBND huyện, thị, thành phố và hệ thống chính trị tại xã, phường có làng nghề, nghề truyền thống, phải phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh cùng thực hiện hợp phần do các cơ quan kể trên phụ trách trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tuyên truyền vận động xây dựng các mô hình kinh tế HTX, dịch vụ hoặc sản xuất, kinh doanh NNNT. UBND huyện, thị, thành phố chủ động hướng dẫn ấp, xã tiến hành làm hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận nghề, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, có kế hoạch cụ thể khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, UBND xã, phường (nơi có làng nghề) cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển ngành nghề, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh NNNT đăng ký kinh doanh và lồng ghép với các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xóa đói giảm nghèo nhằm hỗ trợ cho NNNT.
Vai trò chính trong “kịch bản” này vẫn là các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh NNNT. Cần tiếp tục triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh những ngành nghề có lợi thế, ưu tiên phát triển đến năm 2020, đúng theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh NNNT hãy biến sự đồng hành, “hà hơi tiếp sức” của các sở ngành, địa phương, thành cơ hội “vàng” để vươn lên, phát huy nội lực, mở rộng liên kết, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận với khoa học công nghệ mới… để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, góp phần cho sự phát triển bền vững của các NNNT nói riêng, cho cả nền kinh tế nói chung.
Năm 2012, Sở NN&PTNT đã làm tờ trình về việc xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài truyền thống” và “Đầu tư xây dựng mô hình gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh” nằm trong 12 dự án ưu tiên đầu tư, được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn 2799/UBND-KTN. Ngày 11-11-2013, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định về việc phê duyệt Dự án Sơ chế bảo quản trái cây quy mô nông hộ, nhằm mục tiêu xây dựng mô hình nhà sơ chế đóng gói cam và bưởi quy mô nông hộ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu. Đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn đã xây dựng xong đề cương 2 dự án kể trên và đã thông qua các ngành góp ý, thẩm định lần 1 vào 26-11-2013. Hiện Chi cục Phát triển nông thôn đang chỉnh sửa đề cương trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
BẢO ANH