Xây dựng thói quen không dùng tiền mặt

Thứ sáu, ngày 01/12/2023

(BDO)  Tại Bình Dương, thương mại điện tử đang trên đà phát triển mạnh và tạo tăng trưởng cao cho nền kinh tế. Việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch ngày càng chiếm tỷ lệ lớn.

Theo đó, các ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh, hình thành thói quen và chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương vàngười tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận các dịch vụ hiện đại, trải nghiệm nhiều hơn các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó góp phần phát triển mạnh hơn nữa.

Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành công thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021-2025. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại; chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng; rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Cùng với đó, các ngành triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số; đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa các hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng; đẩy mạnh việc thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu, kết nối các hạ tầng tập trung để cho phép khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu tạo điều kiện cho chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt thành công hơn nữa; ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), Mobile-Money.

Để tăng cường “nội lực”, đẩy mạnh sự phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, minh bạch và tiện lợi trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân, tội phạm trên môi trường mạng liên quan đến hoạt động ngân hàng; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn.

Các ngành chức năng tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tin tưởng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn, hiệu quả.

 KHẢI ANH