Xây dựng thành phố thông minh: Nâng tầm vị thế Bình Dương lên tầm cao mới

Thứ sáu, ngày 31/08/2018

(BDO) Qua hơn 20 năm phát triển đặt ra cho Bình Dương bài toán về phát triển bền vững. Việc lựa chọn triển khai xây dựng thành phố thông minh (TPTM) theo mô hình “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) đã nâng tầm vị thế của Bình Dương trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Doanh nghiệp - chính quyền bắt tay cùng hành động

Đề án TPTM được UBND tỉnh chính thức phê duyệt vào tháng 11-2016 là một chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của Bình Dương đến năm 2021, hướng đến phát triển một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh và tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức. Bình Dương xây dựng TPTM theo hướng mở là phát triển doanh nghiệp, phát triển con người, phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nhiều hơn với khoa học - công nghệ.

Trước đó, để phục vụ Đề án TPTM, tỉnh Bình Dương đã tập trung nguồn lực để phát triển, như xây dựng Trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt chuẩn quốc tế nhằm tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong cung cách phục vụ của chính quyền. Hiện nay, tỉnh đã có chương trình hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Đề án TPTM Bình Dương, xác định và phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực, trong đó con người là yếu tố trọng tâm của đề án này.

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thăm Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp trường Đại học Quốc tế Miền Đông.
Ảnh: TIỂU MY

Tại buổi làm việc của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với tỉnh Bình Dương vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC, khẳng định để thực hiện chiến lược đưa thành phố mới Bình Dương trở thành TPTM, tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều thành phố, tổ chức, tập đoàn quốc tế. Từ năm 2015, tỉnh Bình Dương đã hợp tác với thành phố Eindhoven, Hà Lan để triển khai ý tưởng phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình hợp tác trên nền tảng mô hình “3 nhà”, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Từ mối liên kết này, Bình Dương đang hướng đến xây dựng TPTM, hiện đại, xanh, sạch và thân thiện môi trường nhằm tạo đột phá đổi mới toàn diện, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.

Hiện nay, Đề án phát triển khu công nghệ cao đang được triển khai có kế hoạch lập đề án phát triển đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển và các vùng lân cận từ trung tâm logistics của địa phương nhằm hạ giá thành cho sản phẩm của doanh nghiệp, giảm thiểu gánh nặng cho các loại hình giao thông khác trong tỉnh. Ông Hùng cho biết hiệu quả được nhìn thấy rõ nhất khi triển khai xây dựng TPTM là Bình Dương đã thu hút các tập đoàn lớn mang tầm cỡ quốc tế đến tỉnh tìm hiểu và đặt vấn đề về đầu tư. Hiệu quả bước đầu này góp phần nâng tầm vị thế của Bình Dương trong cách nhìn nhận của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nêu rõ: “Trải qua quá trình phát triển nhanh, thực tế đặt ra cho Bình Dương bài toán phát triển bền vững. Việc tỉnh lựa chọn mô hình TPTM gắn với việc giải quyết bài toán về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ hiện đại, cơ sở hạ tầng… nhằm đáp ứng sự phát triển bền vững là một quyết định mang tính đột phá. Hiện nay, Bình Dương tập trung cải cách hành chính toàn diện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng đã đầu tư trung tâm hành chính tập trung nhằm phục vụ nhu cầu giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp theo mô hình chính quyền điện tử. Nhờ vậy, việc triển khai các loại giấy tờ thực hiện trực tuyến cho đến việc khai và nộp thuế điện tử từ xa đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm thời gian, công sức.. .”.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đều đánh giá cao tính khả thi của Đề án TPTM Bình Dương và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của TPTM Bình Dương trong tương lai. Các thành viên cũng đánh giá cao sự nhất quán trong hành động của chính quyền và doanh nghiệp trong tỉnh, mà cụ thể là Becamex IDC trong nỗ lực chung vì sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Kỳ vọng điểm sáng Bình Dương

Phát biểu tại hội nghị, các thành viên đoàn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết đã đi nhiều địa phương và nghe nhiều về TPTM, song trong họ vẫn là những khái niệm rất mơ hồ về TPTM. Khi đến Bình Dương và nghe cụ thể, chi tiết về cơ chế, các lĩnh vực, tiêu chí mà Becamex IDC đưa ra thì các thành viên mới tin tưởng rằng mô hình TPTM sẽ thành công tại Bình Dương trong tương lai gần, với nhiều hướng kết nối năng động sáng tạo. Ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá đây là cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật tại Bình Dương và Việt Nam theo hướng tiếp cận công nghệ 4.0 rõ ràng, trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác và liên kết quốc tế.

Điều mà các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội quan tâm nhất là làm sao TPTM Bình Dương đẩy nhanh tốc độ triển khai, như lời chia sẻ của một thành viên trong đoàn là nên chăng Chính phủ cần có một cơ chế đặc thù để Bình Dương phát triển TPTM nhanh hơn và thuận lợi hơn?

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về sự thành công và hướng đẩy nhanh tiến độ xây dựng TPTM tại Bình Dương, ông Phùng Đức Tiến cho biết trên cơ sở nghiên cứu thực tế tại các nước và các TPTM trên thế giới, Tổng Công ty Becamex IDC đưa ra các tiêu chí xây dựng TPTM rất phù hợp với điều kiện của nước ta và Bình Dương.

Trong bối cảnh vai trò khoa học - công nghệ đang rất quan trọng và trình độ khoa học - công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão hiện nay thì khẳng định vai trò của khoa học - công nghệ trong xây dựng TPTM là nhân tố quyết định. Và Bình Dương hiện đã hội đủ những điều kiện cơ bản để xây dựng TPTM, chẳng hạn như thành phố mới Bình Dương được xây dựng có cơ sở hạ tầng bảo đảm, có kế hoạch đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ thông tin...

Theo ông Tiến, nhiều TPTM trên thế giới vẫn luôn trong quá trình hoàn thiện và nâng cấp để trở nên thông minh hơn nữa. Chính vì thế, ông cho rằng Bình Dương nên đẩy mạnh tiến độ xây dựng TPTM để sớm trở thành điểm sáng trong cả nước và khu vực về thành công trong xây dựng TPTM gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 Thực hiện đề án xây dựng TPTM Bình Dương, Becamexx IDC đang triển khai hướng tới 4 lĩnh vực: Con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng, môi trường sống và làm việc. Đề án này không những đáp ứng 6 bộ tiêu chí chung của ICF (Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới) trong việc triển khai TPTM mà nền tảng xây dựng là yếu tố con người, nguồn nhân lực cho thành phố là vấn đề trọng tâm được đặt ra. Do đó, yếu tố liên kết, hỗ trợ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn, phù hợp với yêu cầu phát triển cho thành phố trong tương lai là một nhiệm vụ cấp bách và tối quan trọng.

Hiện Becamex IDC có đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển doanh nghiệp, địa phương là trường Đại học Quốc tế Miền Đông.

 

TIỂU MY