Xây dựng thành phố thông minh: Nâng tầm hợp tác, phát triển hạ tầng hiện đại
(BDO) Nhằm xây dựng hoàn thiện thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Mở rộng quan hệ, hợp tác
Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế nhằm phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Đáng chú ý, ngày 12-7, tỉnh Bình Dương và bang Nebraska (Hoa Kỳ) đã ký Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hợp tác và kết nghĩa trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi nhằm cùng hợp tác, phát triển toàn diện.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và bang Nebraska ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 địa phương
Phát biểu tại buổi ký kết, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc thiết lập quan hệ hợp tác và kết nghĩa với bang Nebraska sẽ thắt chặt, nâng tầm quan hệ hợp tác giữa hai địa phương lên một tầm cao mới, góp phần vào thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia. Theo đó, hai địa phương sẽ tăng cường mối quan hệ hữu nghị và mở rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị, phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật, y tế và giáo dục.
Bình Dương mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực và chuỗi giá trị cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển KT-XH thịnh vượng của hai địa phương.
Ngài Jim Pillen, Thống đốc bang Nebraska cho biết lễ ký kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thiết lập quan hệ hợp tác và kết nghĩa giữa tỉnh Bình Dương và bang Nebraska. Từ đó thúc đẩy phát triển hai địa phương thịnh vượng.
Sau khi ký bản ghi nhớ, hai bên sẽ ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, giáo dục - đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực và chuỗi giá trị cung ứng. Đồng thời, hai bên cùng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.
Lãnh đạo Trường Đại học Quốc tế Miền Đông ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Nebraska - Omaha
Tại lễ ký kết, trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác cùng trường Đại học Nebraska - Omaha. Bản ký kết không chỉ mở ra cơ hội hợp tác phát triển cho hai đơn vị, mà còn tạo điều kiện, mang đến cơ hội học tập, nghiên cứu, phát triển cho sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, trao đổi sinh viên, các dự án học thuật, góp phần xây dựng thành phố thông minh.
Xây dựng khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh - xanh
Những năm qua, cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Dương phát triển đồng bộ, hiện đại tạo nền tảng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển đô thị. Bình Dương là một trong số ít địa phương ở Việt Nam phát triển thành công mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ và tiến tới xây dựng đô thị thông minh. Tỉnh Bình Dương định hướng tập trung đầu tư vào những vùng có tiềm năng phát triển công nghiệp và đô thị ở phía nam để hình thành đầu tàu tăng trưởng, cụ thể là đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại thúc đẩy sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp.
Đoàn công tác bang Nebraska tham quan các mô hình kinh tế, hệ sinh thái công nghiệp tại tỉnh Bình Dương
Đến nay, tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp (KCN), với diện tích 12.798 ha (trong đó có 26 KCN đã đi vào hoạt động) và 12 cụm công nghiệp, với diện tích 815 ha. Các KCN của tỉnh đều được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thuận lợi cho thu hút đầu tư. Tỷ lệ cho thuê đất trong các KCN đạt 67%.
Đặc biệt, Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương được hình thành đóng vai trò chiến lược trong tiến trình phát triển của tỉnh. Điểm nhấn của Khu liên hợp là có Trung tâm hành chính tập trung tỉnh, các khu đô thị; bên cạnh đó là 7 KCN xung quanh. Các KCN này được hình thành với tỷ lệ lấp đầy cao tạo đòn bẩy cho việc dịch chuyển phát triển công nghiệp từ khu vực phía nam lên khu vực phía bắc của tỉnh, như các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, xa hơn nữa là KCN Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng mở rộng và hiện nay là KCN Việt Nam - Singapore III vừa mới được khởi công.
Bên cạnh đó, các tuyến đường tạo lực xung quanh được xây dựng thúc đẩy và gắn kết hệ thống các KCN với cảng biển, sân bay quốc tế, như: Các dự án mở rộng Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, đường ĐT743, ĐT746, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; cùng với đó là đường Vành đai 3, Vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương… được xây dựng giúp hoàn thiện trục giao thông kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, Cảng Cái Mép - Thị Vải…
Đoàn doanh nghiệp bang Nebraska tham quan Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương
Trong giai đoạn mới, tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển theo mô hình vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST) dựa trên mở rộng không gian phát triển các KCN, đô thị hiện hữu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý, dịch vụ xã hội, góp phần tạo nên hệ sinh thái kiểu mới phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Tỉnh Bình Dương cũng thúc đẩy ĐMST, áp dụng toàn diện trong các lĩnh vực KT-XH, trong đó chú trọng hoàn thiện mô hình thành phố thông minh.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng Công ty Becamex IDC đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết Becamex IDC đã và đang phát triển hệ sinh thái ĐMST và khoa học - công nghệ; xây dựng các KCN thông minh, đô thị thông minh xanh, bền vững, tiến tới xây dựng các KCN gắn liền với khoa học - công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần đưa nền công nghiệp của tỉnh Bình Dương phát triển phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó từng bước tạo động lực phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số thay thế cho động lực kinh tế thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.
Đến thăm trường Đại học Quốc tế Miền Đông - đơn vị nòng cốt của mối liên kết “ba nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, ngài Jim Pillen, Thống đốc bang Nebraska đánh giá cao môi trường học tập hiện đại cũng như việc nhà trường đầu tư phát triển hệ sinh thái ĐMST. Ngài Jim Pillen cho biết với nhiều đơn vị có mối tương hỗ chặt chẽ với nhau, mô hình này không chỉ tạo ra nhiều giá trị cho việc học tập - nghiên cứu - khởi nghiệp của nội bộ nhà trường mà còn góp phần lan tỏa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ mạnh mẽ trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp nhiều dịch vụ trong lĩnh vực khởi nghiệp, ĐMST cho cộng đồng. Thăm Trung tâm Sản xuất tiên tiến (AMC), Trung tâm ĐMST công nghiệp 4.0 Việt Nam - Singapore (VSIIC) của trường Đại học Quốc tế Miền Đông, ngài Jim Pillen đánh giá cao vai trò của mỗi đơn vị, đặc biệt quan tâm đến AMC. AMC có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong mảng sản xuất, gia công. Đây là hạt nhân quan trọng góp phần thu hút nguồn chất xám, đầu tư, phát triển năng lực, nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ ĐMST cho tỉnh Bình Dương nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. |
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG