Xây dựng thành phố thông minh, đáng sống

Thứ ba, ngày 28/11/2023

(BDO)  Với vị trí là đô thị trung tâm, TP.Thủ Dầu Một tập trung quy hoạch đô thị, đẩy mạnh chuyển đổi số để trở thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của một đô thị thông minh Bình Dương, bước tiếp một mốc son quan trọng khi Bình Dương được vinh danh Top 1 cộng đồng chiến lược phát triển thông minh trên toàn thế giới năm 2023.

 TP.Thủ Dầu Một quan tâm đầu tư để phát triển xứng tầm đô thị ven sông, đô thị kết nối

 Đô thị kết nối, tiện ích

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, không giấu được vui mừng, cho biết: “Chúng ta vừa đón nhận tin vui khi Bình Dương tiếp tục được vinh danh Top 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu năm 2023 tại sự kiện vừa diễn ra ở New York (Hoa Kỳ) ngày 27-10-2023. Là đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm của Bình Dương, nhiều năm qua, TP.Thủ Dầu Một luôn có những kế hoạch để phát triển thành phố thông minh theo định hướng chung của tỉnh. Thành phố xác định đây là xu thế tất yếu để Thủ Dầu Một vươn lên nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ và bền vững. Và điều may mắn là thành phố nhận được sự hỗ trợ, đồng hành kịp thời, sát sao của Ban chỉ đạo, Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, Sở Khoa học và Công nghệ để có những định hướng chiến lược nhằm phát triển toàn diện”.

Trong giai đoạn 2021-2025, quan điểm phát triển của TP.Thủ Dầu Một vẫn tập trung theo hướng văn minh - hiện đại, trong đó chú trọng đầu tư phát triển hệ thống công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm theo quy hoạch. Từng bước phát triển “Đô thị xanh - đô thị thông minh” theo hướng nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo cảnh quan đô thị khang trang sạch đẹp, lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình phát triển. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho các dự án, công trình mang tính đột phá, tạo điểm nhấn về đô thị, tăng tính kết nối và sự hài hòa trong phát triển giữa đô thị hiện hữu và đô thị mới đang xây dựng.

TP.Thủ Dầu Một đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025, đầu năm 2026, phải có sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo đô thị, xứng tầm là thành phố loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương, không còn tuyến đường - khu phố chưa đạt chuẩn đô thị. Một số công trình đã khởi công hoặc có dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào khai thác. Việc quản lý, giám sát, điều hành đô thị mang tính tập trung, đồng bộ và toàn diện. Nâng cao mức sống và nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ của người dân trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi về xây dựng nét riêng cho thành phố, bà Nguyễn Thu Cúc cho biết mỗi thành phố thông minh trên thế giới đều có những định hướng riêng, chiến lược riêng để phù hợp với tình hình, bối cảnh, đặc trưng của địa phương mình. TP.Thủ Dầu Một chú trọng tạo không gian phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tăng cường không gian xanh để trở thành nơi đáng sống, là nơi thu hút và giữ chân nhân tài. Với đặc thù và quan điểm chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Thủ Dầu Một xây dựng thành một đô thị văn minh, hiện đại, giàu đẹp, nghĩa tình. Lấy người dân làm trung tâm, thành phố ưu tiên chuyển đổi số, phát triển thành phố thông minh dựa trên 3 nền tảng, giáo dục, giao thông và đô thị. Đồ án Quy hoạch chung TP.Thủ Dầu Một đến năm 2040 (tầm nhìn đến năm 2050) định hướng phát triển đô thị theo hướng ưu tiên bố trí không gian phục vụ cộng đồng, đưa thành phố trở thành đô thị thông minh, đáng sống. 

Mục tiêu của quy hoạch nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối tiểu vùng phía bắc giữa TP.Thủ Dầu Một và các huyện, thị, thành phố lân cận; kết nối giữa các phân khu chức năng của đô thị thành phố một cách chiến lược, trọng điểm và phát huy hiệu quả. Phát triển không gian đô thị TP.Thủ Dầu Một phù hợp với chiến lược, mô hình phát triển kinh tế của thành phố và tiểu vùng phía bắc, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các hạt nhân của các trung tâm chính và trung tâm phụ; trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ, trung tâm y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục - đào tạo của tiểu vùng đô thị và các hạt nhân của đô thị. Giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan của thành phố, phát triển nhà ở và hạ tầng xã hội, tăng cường quỹ đất cây xanh công cộng, cải thiện môi trường trong các khu vực hiện hữu.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, thành phố đã xây dựng và phát triển chính quyền số trong ngành trên các nền tảng số mới nhất về truyền thông xã hội. Đầu tháng 12, thành phố sẽ chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (IOC) của Thủ Dầu Một. Đây sẽ là trung tâm IOC đầu tiên của cấp huyện, thị, thành phố. Việc đưa vào vận hành trung tâm IOC Thủ Dầu Một đánh dấu một bước ngoặt mới trong việc tiếp cận gần hơn các tiện ích phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Giám sát, điều hành tập trung trong các hoạt động của dịch vụ thông minh, thực hiện thu thập và xử lý thông tin từcác hệ thống chuyên ngành, phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan và hỗ trợ công tác quản lý, điều hành bảo đảm thống nhất, hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để lắp đặt hàng trăm camera an ninh an toàn trên các khu vực trọng điểm, góp phần từng bước trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh tại địa phương. Đầu năm 2024, TP.Thủ Dầu Một sẽ ban hành kế hoạch mới nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đa nền tảng, từchính quyền số, công dân số, đến các tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa mục tiêu phát triển trở thành đô thị dẫn đầu trong mô hình thành phố thông minh.

 Trung tâm Y tế thành phố và 14 trạm y tế phường đã triển khai phần mềm khám, chữa bệnh do Công ty VNPT Bình Dương hướng dẫn thực hiện trong hoạt động khám bệnh. 100% cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện triển khai thực hiện hoạt động khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế.

 TIỂU MY - CHÂU TIẾN