Xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương năm 2021: Tập trung nguồn lực, triển khai các dự án bứt phá
(BDO) Để tiếp tục triển khai các dự án nền tảng và xây dựng đề án cho giai đoạn tiếp theo, hoàn thiện mô hình “Ba nhà”, đặt nền móng cho tương lai, Ban điều hành Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án TPTM Bình Dương năm 2021.
Sở Xây dựng vừa tổ chức hội nghị tập huấn sử dụng, bàn giao cơ sở dữ liệu, tài khoản quản lý khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu trên hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng
4 trọng tâm trong năm 2021
Sau hơn 4 năm thực hiện, đề án TPTM Bình Dương đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tác động sâu và rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội của tỉnh, góp phần vào sự phát triển vượt bậc của Bình Dương thời gian qua. Đề án được hiện thực hóa bằng những dự án cụ thể, được phân bổ rộng cho những thành phần quan trọng trong xã hội.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: “Kế hoạch Đề án TPTM Bình Dương năm 2021 sẽ là tiền đề, nền móng cho giai đoạn 2021-2025 và cho tương lai. Phát triển TPTM nhằm đưa Bình Dương phát triển vững mạnh, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho người dân. Xây dựng TPTM là trách nhiệm, mục tiêu chung, là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, do đó đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tất cả tổ chức, đơn vị, các lực lượng, nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng TPTM Bình Dương”. |
Theo kế hoạch năm 2021, đề án TPTM Bình Dương sẽ thực hiện 12 cụm dự án trọng điểm, trong đó hoàn thành việc xây dựng đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2026, đặc biệt chú trọng cập nhật các chương trình mới và quy hoạch Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. 4 trọng tâm năm 2021 nhằm tạo tiền đề cho giai đoạn 2021-2026, gồm: Vượt qua bẫy thu nhập trung bình (xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ; đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo); thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ (đẩy mạnh xây dựng khu Trung tâm Thương mại thế giới TP.Mới Bình Dương; phê duyệt xây dựng khu thử nghiệm về thương mại điện tử xuyên biên giới); phát triển hạ tầng đô thị và giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết để tiếp tục thực hiện đề án cũng như duy trì được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trong top 21 ICF, tiến tới vào top 7 ICF đòi hỏi sự kiên định và tiếp tục đồng hành rất lớn giữa các thành tố trong xã hội, đặc biệt là ba nhà (Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp). Mỗi một thành tố sẽ có thể đóng góp tùy theo vai trò của mình. Nhà nước cần tiếp tục thể hiện vai trò kiến tạo, thúc đẩy các dự án đầu tư công. Sự vào cuộc của Nhà nước là lực đẩy lớn cho nhà doanh nghiệp - nhân tố chính trên mặt trận phát triển kinh tế. Nhà trường là nhân tố chính trên mặt trận phát triển con người và khoa học công nghệ. Tất cả đều phải thể hiện bằng những đề án cụ thể nhằm tạo ra những động tác sớm cho xã hội. Mặt khác, sau quá trình phát triển nhanh chóng, Bình Dương đang đứng trước những thách thức lớn cần giải quyết như bẫy thu nhập cá nhân, sự phát triển kinh tế thiếu cân bằng, có một khoảng cách lớn giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ, hạ tầng giao thông quá tải làm tăng chi phí của nhà đầu tư cũng như thách thức về việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực. Nhằm tập trung nguồn lực để triển khai các dự án bứt phá, giải quyết những thách thức trên, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh vị thế trên trường quốc tế, Bình Dương đã quy hoạch vùng đổi mới sáng tạo. Đây là trọng tâm của đề án TPTM Bình Dương giai đoạn tiếp theo.
Đẩy mạnh ứng dụng mô hình GIS
Xây dựng TPTM Bình Dương năm 2021, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, quyết liệt triển khai Trung tâm điều hành TPTM, có thể kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi, cung cấp dữ liệu, xử lý sự cố khẩn cấp và điều hành tập trung theo quy trình thu thập thông tin, xử lý thông tin, dự báo tình huống và thực thi hành động một cách nhanh chóng nhất, góp phần tạo ra môi trường sống và làm việc. Hiện nay, Bình Dương đi đầu trong cả nước về hệ thống thông tin địa lý (GIS) với dữ liệu số hóa bản đồ quy hoạch trên toàn tỉnh, vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa chia sẻ thông tin công khai minh bạch cho người dân qua app trên điện thoại di động về quy hoạch, nhà ở, bất động sản… Ứng dụng mô hình GIS là một trong 4 nội dung trọng tâm của đề án TPTM Bình Dương năm 2021.
Sở Xây dựng vừa tổ chức hội nghị tập huấn sử dụng, bàn giao cơ sở dữ liệu, tài khoản quản lý khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu trên hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Sở Xây dựng triển khai dự án và đã đạt được kết quả khả quan về cơ sở dữ liệu quản lý thống nhất - đa nhiệm - đa ứng dụng - đa người dùng, tích hợp và xây dựng được các phần mềm chuyên ngành xây dựng trên nền tảng WebGIS. Để dữ liệu được cập nhật thường xuyên, sở đã bàn giao cơ sở dữ liệu và tài khoản để quản lý, khai thác và cập nhật cơ sở dữ liệu trên hệ thống”.
Báo cáo trước Thường trực Tỉnh ủy, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Thời gian qua, sở đã triển khai GIS và các phần mềm chuyên ngành xây dựng, đến nay bản đồ quy hoạch đã được chuyển đổi số. Sở đã phối hợp với các địa phương cập nhật cơ sở dữ liệu vào phần mềm này, đồng thời đã xây dựng chương trình phát triển đô thị đồng bộ với đề án TPTM. Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục triển khai áp dụng mô hình GIS ngành xây dựng giai đoạn 2020-2022; ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng, thí điểm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”.
Đây là dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GIS với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu không gian và hệ thống phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thác dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thông qua dự án này đã từng bước chuẩn hóa, thu thập toàn bộ dữ liệu và lưu trữ đầy đủ, nhất quán các dữ liệu ngành xây dựng trên Trung tâm Dữ liệu dùng chung của tỉnh Bình Dương.
PHƯƠNG LÊ