Xây dựng Smart City để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn
Các chuyên gia dự báo, xây dựng thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương (Smart City), GDP bình quân của tỉnh Bình Dương sẽ tăng thêm khoảng 3% khi hoàn thiện, vận hành TPTM trong tương lai. Song, mục tiêu cuối cùng của Smart City là nhằm xây dựng một thành phố hiện đại với nguồn nhân lực đủ sức để điều hành TPTM nhằm đem lại những tiện ích, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN).
(BDO)
Đề án khu phức hợp Becamex City đang được xem xét sẽ là một trong những đề án thuộc dự án Smart City của tỉnh Bình Dương trong tương lai (Ảnh phối cảnh tổng thể Becamex City). Ảnh: M.DUY
Người dân và DN được gì ở TPTM?
Hôm nay (27-11), tiếp nối thành công hội nghị TPTM Bình Dương lần thứ nhất (năm 2016), tỉnh Bình Dương tiếp tục tổ chức hội nghị lần thứ hai 2017. Hội nghị thu hút nhiều nhà khoa học, các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình TPTM đến từ các nước, các tập đoàn đa quốc gia, các viện nghiên cứu danh tiếng, trong đó có thành phố Endihoven (Hà Lan) - một TPTM được xây dựng trong 20 năm qua và nằm trong tốp những khu vực, TPTM nhất trên thế giới thuộc Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).
Học tập kinh nghiệm từ mô hình thành công của TPTM Endihoven, tỉnh Bình Dương vẫn lấy chủ đạo phát triển Smart City dựa trên thế “kiềng 3 chân” mô hình “3 nhà” (Nhà nước - Nhà DN - Nhà khoa học).
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành Đề án TPTM Bình Dương cho biết, đề án xây dựng TPTM tại Bình Dương không những đáp ứng 6 bộ tiêu chí chung trong việc triển khai Smart City mà nền tảng xây dựng vẫn là yếu tố con người, nguồn nhân lực cho TPTM là vấn đề trọng tâm được đặt ra. Do đó, yếu tố liên kết, hỗ trợ giữa Nhà nước - Nhà DN - Nhà khoa học (nhà trường) nhằm đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn, phù hợp với yêu cầu phát triển cho TPTM trong tương lai. Nhà nước và nhà DN đều có thể đặt hàng đến các nhà khoa học, nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển Smart City.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo “Hội nghị TPTM Bình Dương 2017” mới đây, ông Mai Hùng Dũng cho biết, hiện nay GDP của Bình Dương đạt mức gấp đôi so với trung bình của cả nước. Theo lộ trình xây dựng Smart City đến năm 2021, ước tính đề án TPTM của tỉnh sẽ góp phần đưa GDP bình quân của tỉnh tăng thêm 3% (11-12%) so với hiện nay là 8-9%.
Smart City là một khái niệm tuy còn mới mẻ với nhiều người, nhưng tựu trung mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng TPTM đó là tạo ra một môi trường sống, môi trường sản xuất không chỉ ứng dụng công nghệ mà được quản lý và điều hành một cách thông minh nhất. Mục đích cuối cùng đó là có thể đưa nhiều tiện ích đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để mỗi cư dân có được cơ hội tiếp cận, thụ hưởng những sản phẩm, tiện ích, dịch vụ tốt nhất trong đời sống sinh hoạt; đồng thời tạo ra một môi trường, cơ chế thông thoáng với những điều kiện tốt nhất phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của DN. Vì vậy, UBND tỉnh khẳng định, tỉnh không ngại tập trung nguồn lực, kêu gọi thu hút vốn đầu tư để thực hiện Đề án xây dựng TPTM Bình Dương.
Trước đó, để phục vụ đề án Smart City, tỉnh Bình Dương đã tập trung nguồn lực để phát triển, như Trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt chuẩn quốc tế, trung tâm cài đặt ngay tại thành phố mới Bình Dương nhằm tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong cung cách phục vụ của chính quyền. Ngoài ra, hệ thống điện, mạng viễn thông cũng đang được đầu tư nâng cấp; hệ thống đèn chiếu sáng led thông minh cũng được thay thế cho loại đèn cao áp tiêu tốn nhiều điện năng; hệ thống xe buýt được vận hành với công nghệ quản lý thông minh…, cùng nhiều đề án khác cũng đang được gấp rút triển khai.
Theo ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng tỉnh North Brabant, Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport Hà Lan, việc xây dựng TPTM sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của địa phương. Ông Peter Portheine khẳng định, muốn làm được điều này là phải có một cơ chế điều hành, lấy thước đo trên giá trị mỗi một đồng USD mà ta có thể giữ lại được và dùng nó vào việc tái đầu tư; tạo ra chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất của DN. Đây cũng là nhân tố tạo chuỗi giá trị sản phẩm, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế của địa phương, từ đó có thể dùng nó để đầu tư trên nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của các tầng lớp nhân dân.
TPTM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được bàn luận rất nhiều thì chúng ta phải đặt vấn đề chính quyền có được thông tin và xử lý tốt nhất cho người dân và điều đó có thể thực hiện bằng công nghệ, ứng dụng công nghệ. Do đó, bên cạnh Đề án xây dựng TPTM, tỉnh Bình Dương cũng gắn kết với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tỉnh Bình Dương đã đầu tư trung tâm hành chính tập trung nhằm vận hành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc của người dân và DN, theo mô hình chính quyền điện tử. Việc triển các loại giấy tờ thực hiện trực tuyến cho đến việc khai và nộp thuế điện tử từ xa đã tạo thuận lợi cho DN và người dân tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức... Hiện Bình Dương đã xây dựng 14 đề án liên quan để phục vụ phát triển TPTM hay “Vườn ươm khởi nghiệp Becamex”, với mong muốn tạo ra một môi trường đầy đủ điều kiện cần thiết để ươm mầm những tài năng, những phát minh, sáng tạo của các bạn trẻ để đóng góp, xây dựng TPTM Bình Dương trong tương lai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do là đô thị được xây dựng mới, với cơ sở hạ tầng giao thông, điện, viễn thông và trung tâm cơ sở dữ liệu đạt chuẩn quốc tế…, đó là một trong những lợi thế của tỉnh Bình Dương khi triển khai xây dựng Smart City. Ngoài những lợi thế sẵn có của Bình Dương, các chuyên gia cũng khẳng định đề án Smart City của tỉnh cũng không thể bỏ qua các trình tự cần thiết. Vì vậy, vấn đề thời gian cũng như nguồn vốn đầu tư được xác định là không giới hạn. Nhiều Smart City trên thế giới như Endihoven vẫn luôn trong quá trình hoàn thiện và nâng cấp mình để trở nên thông minh hơn nữa. Do đó, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các chuyên gia, việc triển khai phát triển TPTM là cần phải có lộ trình, bởi bản chất của TPTM là sự liên thông giữa các ngành, mà Bình Dương tập trung đó là mô hình liên kết giữa “3 nhà” cùng một số đặc thù, đặc điểm riêng mà Bình Dương đang quyết tâm theo đuổi trong quá trình xây dựng một TPTM cho riêng mình.
“Khác với cách tiếp cận thông thường về TPTM, thuần túy tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết một số vấn đề cụ thể của khu vực như: Chính phủ điện tử, giao thông…, Bình Dương tập trung vào những tầm nhìn lớn tạo đột phá, đổi mới toàn diện, trong đó con người là trọng tâm. TPTM có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng”, ông Mai Hùng Dũng chia sẻ về những nét riêng của Bình Dương khi thực hiện Đề án xây dựng TPTM Bình Dương.
MINH DUY