Xây dựng Quy định bảng giá các loại rừng: Cơ sở để quản lý rừng hiệu quả

Thứ năm, ngày 14/07/2016

(BDO) UBND tỉnh vừa thông qua Dự thảo tờ trình về việc Quy định bảng giá các loại rừng thuộc rừng phòng hộ núi Cậu - Dầu Tiếng (xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng). Trước đó, UBND tỉnh đã giao các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp phối hợp với Phân viện Quy hoạch Nam bộ định giá sơ bộ các loại đất rừng. Đây là cơ sở quan trọng để định giá rừng trong việc giao, cho thuê, khai thác cũng như xử phạt vi phạm trong khai thác, sử dụng rừng tại tỉnh trong thời gian tới.

Yêu cầu từ thực tế

Hiện nay, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng non tái sinh, phân bố rải rác ở phía bắc của tỉnh. Hiện việc xử phạt hành chính liên quan đến các trường hợp lấn chiếm đất rừng, phá rừng, vi phạm tài nguyên rừng… của tỉnh chưa được giải quyết một cách thống nhất. Bên cạnh đó, việc xử phạt còn gặp khó do chưa có quy định mức giá cụ thể của từng lô, trạng thái rừng; trong khi việc tính tiền thuê rừng khi nhà nước cho thuê rừng không thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng. Theo các ngành chức năng, việc lập hồ sơ cấp đất cho các đơn vị chủ rừng nếu không có giá rừng cụ thể thì việc xác định rõ giá trị của rừng mà các đơn vị quản lý cũng sẽ không thực hiện được. Điều này dẫn đến quy định về quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia giữ rừng, trồng rừng không được thể hiện đầy đủ bằng văn bản pháp luật.


Rừng phòng hộ núi Cậu (huyện Dầu Tiếng). Ảnh: XUÂN THI

Khi tờ trình về việc Quy định bảng giá các loại rừng thuộc rừng phòng hộ núi Cậu- Dầu Tiếng được HĐND tỉnh thông qua và ra nghị quyết sẽ là cơ sở pháp lý giúp các cơ quan chức năng xử lý hiệu quả các vụ việc chặt phá rừng trái phép. UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện áp dụng khung giá các loại rừng và xác định giá cho thuê rừng trên từng địa bàn; quản lý sử dụng nguồn thu từ rừng, cho thuê rừng, thu hồi và bồi thường rừng. Các tổ chức, cá nhân thuê rừng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính trước khi có bàn giao, cắm mốc rừng tại thực địa.

Chú trọng vấn đề môi trường

Điều đáng chú ý của Dự thảo Quy định bảng giá các loại rừng thuộc rừng phòng hộ núi Cậu - Dầu Tiếng là ngoài giá trị của gỗ, củi, lâm sản ngoài rừng, giá trị về môi trường cũng được đặc biệt quan tâm. Giá trị môi trường được xác định gồm: Giá trị phòng hộ đầu nguồn (chống xói mòn và bồi lấp, điều tiết duy trì nguồn nước cho các nhà máy thủy điện, nhà máy nước); lưu giữ và hấp thụ cacbon; giá trị về cảnh quan du lịch.

Được biết, hiện đã có đơn vị được cấp phép đầu tư theo Quyết định số 2413/QĐ- UBND của UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực núi Cậu và bán đảo Tha La, huyện Dầu Tiếng. Liên quan đến dự án này, UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị liên quan cần nghiên cứu kỹ hơn những tác động đến cảnh quan tự nhiên và môi trường của rừng phòng hộ núi Cậu.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết việc định giá lần này chủ yếu tập trung vào diện tích 990 ha rừng phòng hộ đầu nguồn núi Cậu - Dầu Tiếng nhằm phục vụ nhu cầu giao, cho thuê đất rừng đối với một số đơn vị trước mắt. Về lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục định giá thêm phần diện tích đất rừng còn lại trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp thông qua Dự thảo tờ trình về việc Quy định bảng giá các loại rừng thuộc rừng phòng hộ núi Cậu - Dầu Tiếng vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các sở, ngành có liên quan cùng đơn vị tư vấn cần cập nhật thêm số liệu để so sánh mức giá. Sau khi thông qua dự thảo, UBND tỉnh giao cho các bên có liên quan tiếp tục hoàn thiện tờ trình, trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

 

XUÂN VĨ