Xây dựng nông thôn mới: Từ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Thứ hai, ngày 18/07/2011

Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bình Dương có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực... Thế nhưng, nếu đánh giá một cách toàn diện, Bình Dương vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần khắc phục, tạo đà để tiếp tục xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng bền vững.

Những con số biết nói

Kết quả 3 năm (2008-2010) thực hiện chương trình xây dựng NTM, cho thấy cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, tỷ trọng trồng trọt giảm 2,6%, tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng 2,6%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 58,5 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, nước sạch, hệ thống lưới điện, cơ sở vật chất ngành giáo dục, y tế... được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, đồng bộ theo hướng hiện đại, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

 Chuyên gia nước ngoài kiểm tra kỹ thuật trồng rau trong nhà kính tại khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái

Khảo sát thực tế mới biết đến nay, toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 3 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích trên 972 ha, trong đó có 3 xã thuộc địa bàn Phú Giáo gồm An Thái trên 411 ha; Tân Hiệp, Phước Sang 471 ha và xã Hiếu Liêm (Tân Uyên) 89,95 ha. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng 11 mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao để thử nghiệm canh tác theo kiểu nhà lưới, nhà kín, sử dụng hệ thống tưới dung dịch phân bón và tưới nước tự động. Cụ thể như ở thị trấn Uyên Hưng và xã Tân Định (Tân Uyên) xây dựng 10 ha diện tích sản xuất rau an toàn; xã Thạnh Hội và thị trấn Uyên Hưng cùng phát triển mô hình sản xuất rau cải an toàn theo hướng liên kết từ khi trồng cho đến khi tiêu thụ sản phẩm với 0,54 ha. 2 phường An Thạnh và Bình Chuẩn (TX.Thuận An) thì thực hiện dự án rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap gần 43 ha. Song song đó, một số công trình thủy lợi cơ bản hoàn thành, như dự án thủy lợi Phước Hòa, hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu... bảo đảm cung cấp nước tưới cho 29.595 ha đất sản xuất nông nghiệp và thoát nước chống ngập úng cho 14.626 ha diện tích gieo trồng... Kết quả này đã thúc đẩy chương trình đạt nhiều tiêu chí xây dựng NTM do Trung ương đề ra.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cùng với Ban chỉ đạo Quốc gia chương trình NTM vào đầu tháng 6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, cho rằng kinh tế nông thôn của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Các loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp và công nghiệp phát triển, thu nhập và đời sống vật chất của người dân được nâng lên. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của nông dân đạt 19 triệu đồng/ năm. Hơn 97% nhà ở nông thôn được xây dựng kiên cố hóa, 64,50% dân số thực hiện bảo hiểm y tế, 95,43% hộ đạt gia đình văn hóa, 62,77% khu phố, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa, 99% hộ dân nông thôn có phương tiện nghe nhìn, 95% hộ nông thôn sử dụng nước sạch, 100% đường đến trung tâm được nhựa hóa...

Tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

Với nguồn vốn tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong năm 2011 là 642 tỷ 589 triệu đồng, trong đó, Bình Dương bố trí vốn đầu tư cho phát triển nông - lâm - thủy sản là 38 tỷ 263 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn 604 tỷ 326 triệu đồng, đầu tư cho giáo dục 263 tỷ 789 triệu đồng, y tế 13 tỷ 277 triệu đồng và văn hóa là 42 tỷ 454 triệu đồng... Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2015, Bình Dương tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên phát triển mạnh cây trồng, vật nuôi chủ lực như: cao su, rau an toàn, quả đặc sản, đồng thời tổ chức chăn nuôi heo siêu nạc, gà công nghiệp, bò sữa theo hình thức trang trại chăn nuôi công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Để thực hiện các mục tiêu và các giải pháp trọng tâm đã đề ra có hiệu quả, Bình Dương sẽ ban hành các chính sách phù hợp như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ để giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp... Và khi doanh nghiệp có dự án đầu tư thì sẽ được hưởng chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước của Nhà nước (nếu thuê đất, mặt nước của cá nhân, hộ gia đình thì được Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí). Song song đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, dịch vụ tư vấn, khoa học công nghệ và cước phí vận tải...

Theo hướng đó, Bình Dương còn tiếp tục xây dựng chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, đạt yêu cầu vệ sinh và an toàn thực phẩm; đồng thời thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp nhỏ và vừa, phát triển vùng nông thôn gắn với vùng nguyên liệu và chế biến nông sản, tiến đến mở rộng sản xuất, hình thành các trang trại, doanh nghiệp trong nông nghiệp... Tất cả làm nền tảng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng NTM ngày càng bền vững.

ĐỖ TRƯỜNG