Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
(BDO) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Phú Giáo đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng phát triển, an ninh trật tự được ổn định, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng cao.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Phú Giáo đã có bước phát triển đáng kể. Trong ảnh: Tuyến đường giao thông được nhựa hóa ở xã Phước Sang
Nâng cao tiêu chí
Huyện Phú Giáo triển khai chương trình xây dựng NTM từ năm 2011. Đến nay, huyện đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn và hướng đến xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn tiếp tục được đầu tư, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Với xuất phát điểm thấp, đời sống người dân nông thôn còn nhiều hạn chế nhưng đến nay diện mạo nông thôn ở các xã NTM trên địa bàn huyện Phú Giáo đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết chương trình xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương. Đến nay, nền kinh tế địa phương đã có chuyển biến rõ rệt, sản xuất nông nghiệp dần theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, chăn nuôi và đã có nhiều mô hình mang lại lợi ích kinh tế cao, có khả năng nhân rộng. Cơ sở hạ tầng của xã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt hệ thống đường giao thông, điện, đèn chiếu sáng, trạm y tế, trường học… đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Năm 2019, bình quân thu nhập đầu người của xã An Bình đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Hiện xã Phước Sang đang tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh. Ông Trần Trung Tín, Chủ tịch UBND xã Phước Sang, cho biết kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, hệ thống đường trục xã, liên xã được cứng hóa 100%. Cùng với giao thông, hệ thống điện được đầu tư nâng cấp ngày càng hoàn thiện. Ngay cả hệ thống điện lưới hạ thế tại các khu vực xa trung tâm cũng được nâng cấp, nâng cao chất lượng sử dụng điện cho người dân. Cùng với đó, hiện xã đang tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo, quá trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM được Đại hội Đảng bộ huyện khóa IV, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đưa vào nghị quyết và được cụ thể hóa bằng chương trình hành động “Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo các ngành và địa phương rà soát xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, nghị quyết Đảng bộ huyện gắn với nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy và triển khai chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp cả về chuyên môn, kỹ thuật, vốn vay. Từ đó hình thành các mô hình kinh tế kiểu mẫu, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp năm 2019 đạt hơn 4.200 tỷ đồng, mức tăng bình quân hàng năm đạt trên 5,5%.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), chia sẻ xây dựng NTM người dân được thụ hưởng rất nhiều, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn đến tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của hợp tác xã đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, hợp tác xã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết trong thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng NTM giàu đẹp, văn minh, tiến tới các xã đạt NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Từ đó xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý. Huyện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu lại kinh tế bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn, gắn với thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
THOẠI PHƯƠNG