Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững
(BDO) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đã đi được hơn nửa chặng đường, diện mạo ở các xã NTM trong tỉnh ngày càng khởi sắc. Bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ khi thực hiện chương trình này.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo sở, ngành khảo sát vườn bưởi gắn với du lịch sinh thái tại xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trong 3 năm đầu của giai đoạn 2021- 2025, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các địa phương xác định rõ cách làm, từng bước triển khai xây dựng NTM phù hợp với điều kiện cụ thể. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội được đầu tư cơ bản, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2022 thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 76,2 triệu đồng/người/năm.
Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 24% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao); có 100% huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; hoàn thành xây dựng thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên. |
Đến nay có 41/41 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%; có 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 70,73%; 3/6 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024 có từ 1-2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã NTM thông minh. Toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao.
Về cơ bản, chương trình xây dựng NTM đạt kết quả khá cao. Tỉnh cũng đang lập quy hoạch vùng các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên gắn kết đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quá trình đô thị hóa của tỉnh. UBND các huyện, thị, thành phố đang tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng cho các xã, thay thế cho quy hoạch xây dựng NTM; đến nay đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được 18/41 xã, đạt 44%. Tổng vốn thực hiện chương trình năm 2021-2023 là 6.408,9 tỷ đồng, Bình Dương không có nợ đọng trong xây dựng NTM.
Chương trình xây dựng NTM đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa vào chương trình trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện. HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành một số nghị quyết để tổ chức thực hiện, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, quyết định kịp thời và đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, các nội dung xây dựng NTM được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ các cấp, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền các cấp để tích cực triển khai thực hiện.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tuy đã đạt được nhiều thành quả, nhưng việc triển khai xây dựng NTM tại Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn chậm, nhiều chỉ tiêu chưa sát với điều kiện thực tiễn các địa phương. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Bình Dương xác định đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”, hướng đến NTM kiểu mẫu, NTM thông minh.
Đồng thời, tỉnh khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn, theo Chỉ thị số 04/CT-TTG ngày 7-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, rà soát đánh giá các chỉ tiêu nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí của các giai đoạn trước, xây dựng kế hoạch, giải pháp và bố trí nguồn lực để bảo đảm các chỉ tiêu bằng hoặc vượt so với các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí được ban hành cho giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao cho các mô hình sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị…
THOẠI PHƯƠNG