Xây dựng những mô hình chăm lo thiết thực cho lao động tạm trú

Thứ bảy, ngày 22/10/2016

(BDO)  Thực hiện đề án Đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân (TNCN), tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội LHPN ở cơ sở đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực dành cho người lao động (NLĐ) tại các khu nhà trọ. Qua một thời gian hoạt động, các mô hình đã phần nào góp phần chăm lo thiết thực về đời sống tinh thần và hỗ trợ cho NLĐ xa quê.

Ngoài quỹ xoay vòng vốn, Chi hội Nữ nhà trọ ở phường Đông Hòa (TX.Dĩ An) thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ về đời sống công nhân lao động Ảnh: N.Ý

Mô hình “Bữa cơm đoàn viên chiều thứ bảy” thời gian qua đã được duy trì khá tốt tại phường Tân Hiệp (TX.Tân Uyên). Thực hiện mô hình, định kỳ mỗi tháng 1 lần, bữa cơm lại được tổ chức tại các chi hội TNCN. Ngoài kinh phí từ các chủ nhà trọ hỗ trợ, các bạn TNCN trong chi hội còn chủ động đóng góp để mua thức ăn và tự tay chế biến món ăn, quây quần như mâm cơm gia đình hàng ngày. Việc duy trì thực hiện mô hình “Bữa cơm đoàn viên chiều thứ bảy” đã tạo không khí vui vẻ, gắn bó; TNCN trên địa bàn có cơ hội được quây quần, sum họp bạn bè.

Xa quê lập nghiệp còn khó khăn, công nhân lao động ở trọ có lúc thiếu hụt việc chi tiêu hay những khi đau yếu hoặc cần vốn buôn bán nhỏ. Vì vậy, Hội LHPN phường Đông Hòa (TX. Dĩ An) đã chủ động lập ra nguồn quỹ xoay vòng vốn không tính lãi. Số tiền đóng góp hàng tháng xoay vòng tại các chi hội được luân chuyển cho hội viên (HV) theo hình thức bốc thăm hoặc ưu tiên HV gặp khó khăn. Không chỉ xoay vòng, có chi hội còn trích một số tiền trong nguồn quỹ để tương trợ các nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo, đường, muối, dầu ăn… để HV dùng khi gặp khó khăn, giúp HV phần nào yên tâm để lao động sản xuất.

Trong quá trình mưu sinh, nhiều gia đình TNCN trẻ đã được xây dựng trên quê hương Bình Dương. Từ đó, trẻ em trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo cũng tăng nhanh và các cặp vợ chồng TNCN không khỏi lo lắng. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, tiếp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, mô hình Nhóm giữ trẻ gia đình Hoàng Yến tại 4/49E khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, TX.Thuận An đã ra đời. Vì rất khó để đóng cửa nhóm trông, giữ trẻ tự phát, nhóm giữ trẻ gia đình không phép, nên các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã cố gắng nâng cấp những nhóm giữ trẻ thành nhóm giữ trẻ bảo đảm tiêu chuẩn, được cấp phép hoạt động, giải quyết phần nào nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi của các gia đình TNCN. Ban đầu, khi mới thành lập, nhóm trẻ này còn thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học, giáo viên, bảo mẫu... và không đủ kinh phí để tự nâng cấp. Cán bộ đề án Đoàn kết, tập hợp TNCN đã cùng chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn chủ nhóm trẻ cải tạo cơ sở vật chất, thuê giáo viên, bảo mẫu; đầu tư mua sắm bàn học, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ nhằm giúp nhóm trẻ bảo đảm các điều kiện cần thiết để được cấp phép. Đặc biệt, Hội LHPN phường Thuận Giao đã tín chấp cho chủ nhóm giữ trẻ Hoàng Yến vay từ nguồn vốn Quỹ tín dụng nhân dân số tiền 20 triệu đồng để đầu tư nâng cấp và mua sắm trang thiết bị vật chất cho nhóm trẻ. Khi đã đầy đủ điều kiện, Hội LHPN tỉnh chủ động đề xuất với chính quyền cấp phép hoạt động cho nhóm trẻ này. Từ khi được cấp phép hoạt động, Nhóm giữ trẻ Hoàng Yến đã hoạt động ổn định, đủ điều kiện chăm sóc trẻ.

Thiết nghĩ, để thiết thực chăm lo cho TNCN, những mô hình trên cần được các cơ sở đoàn thể, địa phương nhân rộng, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vừa đổi mới nội dung sinh hoạt của các chi hội TNCN nhà trọ, giúp TNCN cân bằng cuộc sống và tạo động lực hăng say trong lao động sản xuất.

 

 NHƯ Ý

 

 

Từ khóa: