Xây dựng nhà ở xã hội: Góp phần thu hút nhà đầu tư, giữ chân người lao động
(BDO) Bình Dương đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp, các chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ, cũng như giữ chân người lao động, trong đó có cả chương trình xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH). Việc phát triển NƠXH cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ công nhân yên tâm ở lại sản xuất, ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc phát triển NƠXH là một trong những giải pháp hỗ trợ công nhân yên tâm ở lại sản xuất, ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Trong ảnh: Khu NƠXH Định Hòa do Becamex IDC đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu của công nhân lao động trong khu vực
Thực hiện nhiều nhóm giải pháp
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống công nhân, người thu nhập thấp. Mất việc làm, mất thu nhập, ngoài các chi phí sinh hoạt khác thì tiền thuê nhà hàng tháng đã trở thành gánh nặng, nỗi lo lớn trong đời sống của người công nhân, người có thu nhập thấp.
Trở lại trạng thái “bình thường mới”, Bình Dương đã bắt tay ngay vào thực hiện khôi phục kinh tế với quyết tâm để các nhà máy tiếp tục sáng ánh đèn, công nhân có việc làm, tiếp tục lao động sản xuất. Bên cạnh đó, để lao động xa quê, công nhân an tâm gắn bó, coi Bình Dương là quê hương thứ hai, tỉnh cũng chú trọng công tác đầu tư, xây dựng, phát triển NƠXH bằng nhiều nhóm giải pháp.
Dự kiến giai đoạn 2021- 2025, NƠXH và nhà ở tái định cư của tỉnh tăng thêm khoảng 2 triệu m2 sàn. Diện tích đất dành cho NƠXH và nhà ở tái định cư khoảng 125,5 ha. Vốn dành cho NƠXH, nhà tái định cư vào khoảng 6.200 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn thu nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với quỹ đất 20% NƠXH, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn vay từ quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, các tổ chức tín dụng thương mại và chính sách xã hội tỉnh. Trong đó, chỉ tiêu về diện tích sàn xây dựng NƠXH để cho thuê giai đoạn 2021-2025 phấn đấu khoảng 100.000m2. |
Theo đó, cùng với việc ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, tỉnh sẽ cụ thể hóa cơ chế ưu đãi về đất đai, tài chính đối với các dự án phát triển NƠXH phù hợp với các quy định của Chính phủ, thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Đặc biệt, Bình Dương sẽ đẩy mạnh rà roát việc thực hiện bố trí quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ NƠXH cho tỉnh.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Trong trường hợp chủ đầu tư không hoặc chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, tỉnh sẽ thực hiện thu hồi và giao các nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng, tránh lãng phí quỹ đất. Ngoài ra, Bình Dương sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách thu được từ các chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô dưới 10 ha, thực hiện phương thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất xây dựng NƠXH (20% đất ở). Tuy nhiên không ưu tiên phương thức nộp tiền tương đương này”.
Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ ưu tiên bố trí tạo quỹ đất sạch dọc các trục giao thông (hiện hữu và trong tương lai), các tuyến vành đai để thực hiện các dự án NƠXH, theo hướng giao cho các nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn xã hội hóa xây dựng NƠXH và quản lý, khai thác theo quy định. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ đầu tư các dự án xây dựng NƠXH vay vốn thực hiện dự án, các đối tượng, cá nhân, hộ gia đình chính sách được vay vốn để mua, thuê, thuê mua NƠXH. Đồng thời, tiếp tục thực hiện và mở rộng đối tượng được vay vốn kích cầu, không chỉ đối với các dự án nhà ở lưu trú cho công nhân mà kể cả các dự án NƠXH cho thuê được hỗ trợ toàn bộ lãi suất phần vốn đầu tư xây dựng.
Mơ ước của nhiều người
Đối với mỗi người lao động xa quê, khi chọn Bình Dương để lập nghiệp, làm quê hương thứ hai, niềm mơ ước lớn nhất trong đời là có được một nơi ở ổn định. Những năm qua, chương trình xây dựng NƠXH của tỉnh mở ra, đã biến ước mơ của nhiều người thành hiện thực.
Đơn cử như anh Trần Văn Chiểu, 34 tuổi, quê Vũng Tàu (công nhân Công ty Đại Thành Phụng, Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng). Khi mới bước chân đến Bình Dương, anh Chiểu không dám mơ có ngày mình có nhà riêng, dù nhỏ. Bởi với thu nhập của một lao động với mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng, trong khi giá đất nền dù rẻ cũng lên hàng trăm triệu đồng. Anh tâm sự: “Thật khó ngờ chỉ sau 2 năm lên Bình Dương, vợ chồng tôi nhận được suất đăng ký mua NƠXH, vậy là chúng tôi có nhà. Dù vẫn đang trả góp mỗi tháng, nhưng có nơi ở đẹp, thoáng mát và ổn định, như thế còn gì bằng. Tôi rất mong chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện xây thêm nhiều khu NƠXH, như thế người lao động sẽ yên tâm công tác, gắn bó với Bình Dương dài lâu”.
Niềm vui của vợ chồng anh Chiểu khi tạo dựng được tổ ấm tại Bình Dương cũng là niềm mong mỏi của rất nhiều người, họ đang mong chờ từng ngày. Chị Lê Thụ, công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP.Thuận An), tâm sự: “Chương trình NƠXH rất ý nghĩa với người lao động xa quê. Nhu cầu mua NƠXH của người lao động hiện nay là rất lớn. Trước thông tin từ Chính phủ chỉ đạo các tỉnh thành, các khu công nghiệp, doanh nghiệp tận dụng quỹ đất trống tại các khu công nghiệp để xây NƠXH, xây ký túc xá cho công nhân, người lao động chúng tôi rất quan tâm. Tôi cũng biết hiện tỉnh Bình Dương đang thực hiện các nhóm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có giải pháp đẩy mạnh xây dựng NƠXH để giữ chân và thu hút người lao động gắn bó lâu dài với tỉnh. Tôi tin tưởng rằng, một ngày không xa nữa, bản thân tôi sẽ có được căn nhà mà mình đang mơ ước”.
Với mục tiêu phát triển NƠXH cho công nhân tại các khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, đồng thời từng bước cải thiện chỗ ở của công nhân, người thu nhập thấp, những năm qua, Bình Dương trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác đầu tư xây dựng NƠXH. Việc hình thành các khu NƠXH quy mô lớn, khang trang đã tạo bước đột phá mới, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội. Trong tình hình hiện nay, thực hiện khôi phục kinh tế, giữ chân người lao động, việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NƠXH là chủ trương thiết thực để hàng chục ngàn gia đình công nhân trên địa bàn tỉnh được an cư và yên tâm lao động, gắn bó lâu dài với Bình Dương. Đồng thời, việc phát triển NƠXH giúp công nhân lao động có chỗ ở ổn định, đạt chuẩn cũng góp phần tạo được ấn tượng tốt với nhà đầu tư, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ổn định và đóng góp cho xã hội.
PHƯƠNG LÊ