Xây dựng nhà ở công nhân: Vì sao chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
Nhà ở công nhân (NƠCN) là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) tại các khu công nghiệp (KCN) ổn định nguồn nhân lực. Thế nhưng hiện nay, ngoại trừ chủ đầu tư KCN và một số ít DN đầu tư trong KCN xây dựng NƠCN để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, vì sao xây dựng NƠCN chưa thật sự hấp dẫn các thành phần kinh tế mạnh dạn bỏ vốn đầu tư?
Khập khiễng cung cầu
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Dương cho biết, hiện có 22/24 KCN do ban quản lý đã đi vào hoạt động chính thức và thu hút 1.115 dự án, bao gồm 762 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5 tỷ USD và 353 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 19.524 tỷ đồng. Đến hết quý I-2011 đã có 878 dự án đi vào hoạt động và thu hút 209.000 lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm 91,7%.
Với số lượng lao động như trên, nhu cầu NƠCN các KCN là rất lớn. Tuy nhiên, số lượng NƠCN trong các KCN vẫn còn khiêm tốn, đến nay mới chỉ có 65 công trình NƠCN có tổng diện tích sàn là 168.000m2 với tổng giá trị đầu tư đạt 26 triệu USD và chủ yếu tập trung ở các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3; KCN Sóng Thần 1, 2, 3; KCN Việt Hương 2... Trong đó, các chủ đầu tư KCN xây dựng 6 công trình với diện tích 56.000m2, còn lại 59 công trình do DN ở các KCN xây dựng với diện tích 112.000m2.
Nhà ở công nhân giúp DN ổn định nguồn nhân lực phát triển bền vững
Từ diện tích nhà ở trên, nếu chiếu theo quy định của ngành xây dựng về diện tích chuẩn của NƠCN là 5m2/người, thì thực tế NƠCN trong KCN hiện tại chỉ giải quyết chỗ cho 33.600 người. Như vậy mới chỉ đáp ứng được 15% số công nhân có nhu cầu về nhà ở. Số còn lại với 175.400 công nhân không cách nào hơn phải tự lo, họ phải ở nhà trọ tư nhân với điều kiện sống và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và phát sinh vấn đề vệ sinh môi trường sống của những khu vực xung quanh các KCN.
Ưu đãi chưa sát với thực tiễn
Mặc dù chính sách về NƠCN trong KCN đã nghe các bộ, ngành đề cập nhiều trong thời gian qua, song việc ưu đãi cho DN đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì chưa có, hoặc nếu có thì còn manh mún, chưa thực sự tạo đòn bẩy để DN thực hiện. Cũng chính vì điều này, trong số các DN đầu tư NƠCN, ngoài 2 lực lượng chính là chủ đầu tư KCN và DN trong KCN thì chưa có lực lượng nào dám bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Bùi Mạnh Lân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh, chủ đầu tư KCN Đồng An: “NƠCN KCN rất quan trọng. Dưới góc nhìn của DN trong các KCN, chỗ ở cho người lao động liên quan đến việc ổn định hoạt động sản xuất. Còn dưới góc nhìn của chủ đầu tư các KCN, chỗ ở cho người lao động là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Nhưng để khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này, cần có chính sách hỗ trợ vốn cụ thể để các DN xây dựng NƠCN tại các KCN”.
Không chỉ có nguồn vốn, mà việc “đóng khung” các quy định trong xây dựng NƠCN cũng làm DN nản lòng. Trong tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH Quản lý bất động sản Sông Hồng (Singapore) có buổi làm việc tại tỉnh để đầu tư NƠCN phục vụ KCN Việt Nam - Singapore II mở rộng. Tại buổi làm việc này, ông Susilo Tandjung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý bất động sản Sông Hồng đã trình bày sơ bộ về dự án mà công ty dự kiến đầu tư tại Bình Dương. Theo đó, dự án được xây dựng trên diện tích 2,14 ha gồm 7 block nhà 5 tầng với kiến trúc thân thiện với môi trường và tiết kiệm điện, đáp ứng 6.500 chỗ ở cho công nhân. Ngoài các phòng ở tiện ích, dự án còn có nhà xe, hồ bơi, siêu thị mini, dịch vụ khác... nhằm phục vụ cho đời sống công nhân trong KCN. Sau khi nghe đại diện Sở Xây dựng Bình Dương nêu quy định chuẩn xây dựng về NƠCN là 5m2/người, ông Susilo Tandjung cho biết: “Chuẩn NƠCN tại Việt Nam còn cao hơn cả Singapore với 4m2/người”. Từ đó, ông Susilo Tandjung chia sẻ, theo tính toán của DN, nếu thực hiện chuẩn 4m2/người thì 20 năm sau DN mới hoàn vốn, việc này khó thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Ý kiến của các DN trên về nguồn vốn, về quy chế ràng buộc không phải là không có lý và cũng là điều lý giải vì sao đầu tư NƠCN KCN chưa thu hút được DN hiện nay. Phải chăng đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần nhìn lại thực tiễn để tìm giải pháp cụ thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng NƠCN các KCN, nhằm góp phần phục vụ phát triển công nghiệp bền vững.
TRỌNG MINH