Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân
(BDO) Cách mạng Tháng Tám thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Tiếp nối mạch nguồn đó, 78 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu trong hành trình xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”
Hạnh phúc cho nhân dân
Hơn một thế kỷ trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng với một khát vọng cháy bỏng, lớn lao, tìm ra con đường giải phóng đất nước, độc lập, tự do cho dân tộc. Suốt hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (1911-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, với đủ mọi công việc nặng nhọc để rồi Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại, con đường cứu nước, cứu dân cho các dân tộc thuộc địa. Trong phút giây bắt gặp hình hài đất nước, “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”. Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc đã phôi thai từ lúc ấy.
Suốt hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (1911-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, với đủ mọi công việc nặng nhọc để rồi Người đã đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại, con đường cứu nước, cứu dân cho các dân tộc thuộc địa. Trong phút giây bắt gặp hình hài đất nước, “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”. Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc đã phôi thai từ lúc ấy. |
Trong những ngày cuối tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Nhà nước cách mạng, Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần một trăm năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc.
Vận dụng sáng tạo lý luận của học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể Việt Nam, sau 78 năm thành lập nước, đặc biệt là qua 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 32 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 vào năm 2001, chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được hiến định. Năm 2011, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) của Đảng ta chính thức xác định một trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng chính là phải có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chủ trương ấy đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013.
Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn công phu, nhất là tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về các chiến lược pháp luật và chiến lược cải cách tư pháp, cùng các chủ trương có liên quan, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11- 2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn công phu, nhất là tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về các chiến lược pháp luật và chiến lược cải cách tư pháp, cùng các chủ trương có liên quan, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. |
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta ban hành một nghị quyết chuyên đề của Trung ương về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có rất nhiều nội dung, yêu cầu mới, quan trọng. Có thể nói, một thiết kế tổng thể nhất về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được hình thành, dựa trên quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn công phu, đầy trách nhiệm và trí tuệ của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà hoạt động thực tiễn và trí tuệ của nhân dân. Điều đó thể hiện rõ nhất trong mục tiêu, 5 quan điểm chỉ đạo, 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Theo nội dung của Nghị quyết, Đảng ta chủ trương: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Trên tinh thần ấy, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cần lĩnh hội và quán triệt sâu sắc chủ trương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới để cụ thể hóa trong từng hoạt động của cá nhân, cơ quan, đơn vị nhằm không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
TRÍ DŨNG