Xây dựng người phụ nữ Việt Nam: Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu

Thứ tư, ngày 07/03/2012

Để thật sự bình quyền, phụ nữ phải ra sức phấn đấu, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ, có quyết tâm thì nhất định học được...

Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, 19-3-1964

Hồ Chí Minh: Toàn tập.

Phẩm chất đạo đức (PCĐĐ) của người phụ nữ (PN) tạo nên nét đẹp và góp phần khẳng định vị thế của người PN Việt Nam trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trước  những yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH), PCĐĐ không chỉ dừng lại ở “công, dung, ngôn, hạnh” mà còn nhiều hơn. Và Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức PN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015” (gọi tắt là đề án) có 4 phẩm chất được xác định: Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu.  Người PN phải hội tụ 4 phẩm chất “Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu” mới đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, nhận định hiện nay, quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận PN. Một bộ phận PN sống thiếu lý tưởng, vô cảm, bàng quan trước các vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều nữ thanh niên thích hưởng thụ, đua đòi, dễ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn xã hội. Nhận thức của không ít người dân, PN về vai trò, chức năng giáo dục của gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ... Trong xã hội, nhất là giới trẻ đang có xu hướng sống thực dụng, có quan niệm lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu. Một số khác còn hạn chế về mặt nhận thức, quen sống thụ động, tự ti, an phận, chấp nhận những đối xử bất bình đẳng, chưa biết tự bảo vệ quyền lợi của mình dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí thiệt hại tính mạng.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015”. Đề án hiện được triển khai mạnh mẽ từ các xã điểm, đến cán bộ, hội viên PN ở Bình Dương. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết đề án đề ra mục tiêu chung là tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước theo tiêu chí: có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là PN trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng PCĐĐ tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Các vấn đề đó có thể tóm gọn thành 4 PCĐĐ là tự trọng, tự tin, đảm đang và trung hậu.

Theo mục tiêu chung, đề án đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015, có trên 70% PN và trên 95% hội viên, đoàn viên, nữ thanh niên, nữ cán bộ công chức viên chức và công nhân lao động được tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN; trên 80% hộ gia đình được tuyên truyền và cung cấp tờ rơi các tiêu chí của người PN Việt Nam. 

 Bà Phượng cho biết thêm, nội dung tuyên truyền, giáo dục xoay quanh đề án là các giá trị đạo đức truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của PN Việt Nam được xây dựng, giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn phát triển của đất nước và tiêu chí xây dựng người PN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, góp phần giữ gìn và phát huy những PCĐĐ và truyền thống tốt đẹp của PN trong công cuộc đổi mới; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng tiêu chí, chuẩn mực người PN với các phẩm chất tiêu biểu đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH; nêu cao vai trò của người PN trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia; thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện quyền PN và nâng cao vị thế của PN Việt Nam.

Thu Thảo