Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại: Bảo vệ thực vật góp phần rất quan trọng

Thứ ba, ngày 29/10/2013

 Các chương trình, dự án của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bình Dương trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp.  

Nhận thức về sản xuất nông nghiệp an toàn của bà con nông dân đã được nâng lên. Trong ảnh: Sản xuất rau an toàn tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo

Trong giai đoạn 2006-2013, Chi cục BVTV đã triển khai các chương trình, dự án điển hình như dự án “Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2012”; mô hình 3 giảm, 3 tăng; sản xuất lúa theo hướng VietGAP; trồng hoa lan; trồng rau trong nhà lưới hở, nhà lưới kín; trồng rau thủy canh; IPM cộng đồng... Trong đó đã có nhiều mô hình thực sự nổi bật và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Các hộ dân khi tham gia vào các chương trình, dự án đã từng bước tiếp thu được những kiến thức mới và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tạo ra các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điển hình là các hộ trồng rau an toàn tại xã Tân Định, huyện Bến Cát và thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên. Khi tham gia vào dự án, các hộ dân đã được hướng dẫn sản xuất rau theo hướng VietGAP. Các hộ dân đã hiểu và vận dụng hợp lý vào sản xuất các điều kiện về đất trồng, nước tưới, giống, phân bón, thuốc BVTV, chế phẩm sinh học, bẫy côn trùng… Từ cách sản xuất hiện đại, chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng nên thu nhập của các hộ dân cũng tăng lên từ 20 - 30% so với các hộ ngoài dự án. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn thị trấn Uyên Hưng cho biết, trong những năm sản xuất vừa qua, điều nổi bật nhất đạt được là nhận thức của bà con về rau an toàn đã nâng lên; tự giác, tự nguyện sản xuất theo đúng quy trình. Từ đó bà con đã đẩy mạnh sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với từng thửa đất.

Một trong những mô hình đang được nhiều người quan tâm và được xem là mô hình chủ lực của nông nghiệp đô thị là trồng hoa lan cũng đã được Chi cục BVTV chú trọng xây dựng. Đến nay, Chi cục BVTV đã thực hiện 38 mô hình cho 38 hộ ở các huyện, thị phía Nam. Các mô hình trình diễn đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phong trào trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh. Từ hình thức trồng ở quy mô nhỏ giải trí, đến nay đã có khoảng 16,36 ha trồng hoa lan kinh doanh, đem lại thu nhập ổn định cho hơn 204 hộ.

Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã từng bước chuyển giao các giống mới vào sản xuất có năng suất cao, kháng sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác của từng địa phương… Đến nay tỷ lệ sử dụng giống cao su cao sản đạt 100%; rau màu sử dụng hạt giống lai F1 đạt 95%; giống lúa xác nhận trên 90%; kỹ thuật giăng lưới phủ bạt đạt 100% trên dưa leo, khổ qua… Trên các loại cây trồng chính của Bình Dương, từ năm 2006 đến năm 2012 đã có sự chuyển biến về năng suất, sản lượng. Năng suất cao su tăng từ 14,05 tạ/ha lên 14,78 tạ/ha, năng suất rau ăn quả tăng từ 40 - 50%, rau ăn lá tăng từ 20 - 30%, năng suất cây có múi tăng từ 10 - 30%... Các chương trình, dự án thực hiện trong thời gian qua góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Chi cục BVTV vẫn còn một số hạn chế nhất định như công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật còn chậm, chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới do hạn chế về mặt cán bộ và chưa nắm hết được nhu cầu; việc xây dựng, triển khai các dự án, nhân rộng những mô hình hiệu quả, dự án phát triển vùng sản xuất chuyên canh, dự án ứng dụng công nghệ còn ít, chủ yếu là tập trung vào thực hiện mô hình trình diễn. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, thời gian tới, dựa vào các quy hoạch các vùng chuyên canh của tỉnh, chi cục sẽ tập trung đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản và hướng đến sản xuất hàng hóa. Muốn vậy việc xây dựng các mô hình trong thời gian tới sẽ hướng đến VietGAP, nhất là rau và cây ăn quả tập trung. Khâu giống là rất quan trọng và sẽ được chú ý, nhất là các giống chống chịu bệnh tốt, có năng suất cao. Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhằm thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân; từ đó góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp Bình Dương hiện đại, bền vững và bảo đảm yếu tố môi trường.

• ĐÀ BÌNH