Xây dựng môi trường không khói thuốc: Góp phần giảm thiểu tỷ lệ người dân sử dụng thuốc lá

Thứ ba, ngày 31/05/2016

(BDO) Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Tác hại của thuốc lá ai cũng nghe và hiểu biết ít nhiều nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng vẫn còn cao. Giảm thiểu tỷ lệ người dân hút thuốc lá là mục tiêu được Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá tỉnh đưa ra nhằm khắc phục những hậu quả do sử dụng thuốc lá mang lại…

Tác hại của thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến thuốc lá. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên 70.000 ca vào năm 2030. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới, với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc (tỷ lệ này trong nữ giới trưởng thành chiếm 1,4%).

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã liên tục phát hiện và chứng minh về tác hại của khói thuốc đối với sức khỏe con người. Các nước trên thế giới cũng lần lượt đưa ra những quy định nhằm hạn chế người dân hút thuốc lá trong cộng đồng. Năm 2004, Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Luật PCTH của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.


Hút thuốc lá gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhưng nhiều người vẫn hút

Sử dụng thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như: ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Việt Nam là một trong các quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các căn bệnh này. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ PCTH của thuốc lá - Bộ Y tế cho biết, trong khói thuốc lá có đến 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá không chỉ để lại những gánh nặng bệnh tật mà còn là gánh nặng kinh tế. Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hút. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra trên 23.000 tỷ đồng.

Xây dựng môi trường không khói thuốc lá

Để giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá gây tác hại đến sức khỏe, tác động đến nền kinh tế, xã hội, môi trường và nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sau khi Luật PCTH của thuốc lá có hiệu lực, Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp. Từ đó, công tác PCTH của thuốc lá trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế đã triển khai Luật PCTH của thuốc lá đến 100% đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh - là đơn vị làm mẫu, đi đầu trong công tác PCTH của thuốc lá. Tất cả các đơn vị y tế đều hưởng ứng mạnh mẽ: 100% đơn vị treo bảng cấm hút thuốc, các quy định xử phạt tại tất cả các khoa phòng và nơi công cộng trong cơ sở y tế. Triển khai đến toàn bộ nhân viên y tế tại các đơn vị thực hiện cam kết không hút thuốc lá đối với Ban giám đốc và đưa vào công tác xét đánh giá cán bộ công chức, viên chức cuối năm. Nhân viên y tế có nhiệm vụ nhắc nhở người bệnh và thân nhân người bệnh không hút thuốc trong cơ sở y tế và chịu trách nhiệm liên đới nếu để bệnh nhân hút thuốc trong khoa, phòng, khu vực do nhân viên y tế đó phụ trách.

Các hoạt động can thiệp vào đối tượng học sinh, sinh viên cũng được triển khai thực hiện từ năm học 2013-2014. Việc triển khai xây dựng mô hình “Trường học không thuốc lá” được thí điểm thực hiện tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Hoạt động này được Ban giám hiệu nhà trường hưởng ứng một cách tích cực và triển khai rộng khắp đến các khoa, phòng và tất cả sinh viên. Tổng kết hoạt động của mô hình điểm đã thu được nhiều kết quả: Trong căn tin trường không còn bán thuốc, trước cổng trường khoảng cách 100m không có bán thuốc, 100% sinh viên không hút thuốc lá trong khuôn viên trường. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng sang các trường khác trong năm 2015 như trường Đại học Bình Dương, trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương…

Nhìn chung, việc triển khai Luật PCTH thuốc lá và các hoạt động PCTH thuốc lá ở Bình Dương trong thời gian qua đã được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện và bước đầu đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cộng đồng dân cư đã nhận thức và hiểu biết rõ hơn về tác hại của thuốc lá, thuốc lào… không chỉ gây nguy hiểm đối với sức khỏe người hút trực tiếp mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người hút thuốc lá thụ động. Ngày càng có nhiều người dân, cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên… đang hút thuốc lá đã tự nguyện từ bỏ và cai thuốc lá. Ban chỉ đạo PCTH thuốc lá tỉnh đang từng bước nhân rộng mô hình “Môi trường không khói thuốc lá” ra các cơ quan, tổ chức khác để đạt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020: tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) giảm xuống 18%; trong nam giới giảm xuống 39%; trong nữ giới giảm xuống dưới 1,4%; đồng thời tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc.

CẨM LÝ