Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm: Tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, khám phá

Thứ tư, ngày 26/09/2018

(BDO) Năm học 2018-2019 là năm thứ ba ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) triển khai chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Tính tích cực nhất khi thực hiện chuyên đề này là bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập, vui chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT đã chọn 2 trường cấp tỉnh và 21 trường cấp huyện, thị, thành phố thực hiện điểm triển khai chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nhìn nhận bên cạnh việc đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của chương trình, mỗi đơn vị đều có những sáng tạo riêng trong việc xây dựng môi trường giáo dục bên trong và bên ngoài nhóm lớp mang tính mở, làm phong phú không gian hoạt động của trẻ với nhiều đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu khác nhau, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, được trải nghiệm khám phá môi trường tự nhiên, môi trường xã hội theo nhiều cách khác nhau giúp trẻ phát triển toàn diện.


Các bé trường Mầm non Võ Thị Sáu (TX.Dĩ An) thỏa sức vui chơi, khám phá ở các góc vui chơi trong lớp học

Trong số 23 trường triển khai thực hiện điểm, trường Mầm non Ánh Dương (huyện Bàu Bàng) là một trong những đơn vị tiêu biểu thực hiện tốt chuyên đề trên. Với phương châm “trường là nhà, cô là mẹ, các cháu là con”, nhà trường luôn mong muốn đem đến cho trẻ những gì tốt đẹp nhất, để mỗi ngày trẻ đến trường cảm thấy thực sự là một ngày vui khi mà ở đó người lớn luôn lấy trẻ là trung tâm của mọi hoạt động. Xác định điều đó, ban giám hiệu đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tận dụng, khai thác các điều kiện sẵn có và khắc phục những hạn chế để xây dựng môi trường tốt nhất cho trẻ hoạt động tích cực theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Để có một không gian cho trẻ hoạt động với những trải nghiệm sáng tạo, nhà trường tạo môi trường trong lớp và tận dụng những điều kiện thiên nhiên sẵn có để trẻ khám phá. Theo đó, trường sắp xếp, bố trí, thiết kế các khu vực vui chơi, trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, các loại rau ăn quả, chim bồ câu, cá cảnh... Tạo ra một môi trường thiên nhiên phong phú, giúp trẻ được thỏa sức khám phá thế giới tự nhiên đầy màu sắc. Thực hiện chuyên đề này, môi trường giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non mang tính “mở”, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm. Cô Cao Thị Thuần, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường xây dựng môi trường tại nhóm, lớp theo hướng mở, phong phú, đa dạng phù hợp với độ tuổi, tạo cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực”. Qua quan sát cho thấy, các lớp học của trường được ưu tiên bố trí môi trường chữ cái, chữ số để chuẩn bị tốt cho bé vào lớp một, cùng với các góc chơi được sắp xếp phù hợp theo từng khu vực, vừa tầm tay trẻ, có không gian mở cho các bé được tự do hoạt động, các bé có thể dễ dàng thao tác với đồ dùng, đồ chơi, thỏa sức sáng tạo theo ý thích, theo vốn sống và vốn kinh nghiệm của mình. 

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất trong mọi hoạt động giáo dục trẻ trong trường mầm non, bảo đảm việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non có hiệu quả, có chất lượng và tất cả trẻ đều được tạo cơ hội để phát triển ở tất cả các lĩnh vực. Cô Lê Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai (TP.Thủ Dầu Một) đã nói như vậy. Để thực hiện đạt hiệu quả chuyên đề trên, một trong những giải pháp nhà trường thực hiện là quy hoạch các khu vực, cải thiện môi trường bên ngoài lớp học. Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, khám phá của trẻ, trường đã quy hoạch, cải tạo sân chơi bố trí, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi an toàn thuận lợi, bảo đảm tính giáo dục, thẩm mỹ phù hợp với từng hoạt động. Để môi trường thêm phong phú, nhà trường đã thiết kế các hình ảnh phục vụ các trò chơi vận động, trò chơi dân gian trên sân trường để trẻ có thể tham gia vận động mọi lúc mọi nơi. Trong giờ ra chơi, các bé vui chơi thỏa thích với các đồ chơi ngoài trời theo các nhóm vận động để rèn kỹ năng vận động thô cho trẻ. Trường còn khai thác tối đa các khu vực vui chơi đã quy hoạch, tạo điều kiện cho trẻ được thao tác với đồ dùng đồ chơi, làm các thử nghiệm và đưa ra những nhận xét, kết luận khác nhau.

Từ những đơn vị điển hình thực hiện tốt chuyên đề trên cho thấy sự linh hoạt, đa dạng, phong phú trong hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở các trường mầm non đã tạo cho trẻ nhiều cơ hội được hoạt động, trải nghiệm, khám phá giúp trẻ phát triển hài hòa, toàn diện, tạo được niềm tin ở các bậc cha mẹ.

Việc triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được các cơ sở giáo dục mầm non tập trung tổ chức thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả và có chất lượng. Các điều kiện về môi trường giáo dục được cải thiện, chất lượng đội ngũ nâng lên nên công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn. Mặt khác, sự linh hoạt, đa dạng, phong phú trong hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã tạo cho trẻ nhiều cơ hội được hoạt động, trải nghiệm, khám phá giúp trẻ phát triển hài hòa, toàn diện, tạo được niềm tin ở các bậc cha mẹ.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

H.THÁI