Xây dựng mô hình kinh tế tại các xã nông thôn mới: Nông dân chú trọng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Thứ năm, ngày 18/04/2013

Thực tế cho thấy, nhiều nông dân tại các xã thực hiện xây dựng NTM rất mong muốn được tham gia vào các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao và phù hợp với việc triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã. Ông Trần Văn Mười, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã An Sơn, TX.Thuận An cho biết An Sơn có vườn cây ăn trái đặc sản, người dân trồng xen canh các loại cây trồng rất hiệu quả. Bên cạnh đó, An Sơn còn có nhiều kênh rạch và trên 4km bờ sông Sài Gòn. Đây là lợi thế nhưng cần phải tìm ra các mô hình kinh tế phù hợp. Dựa vào lợi thế đó, ông Võ Hiếu Trung, một nông dân tại ấp An Phú, xã An Sơn đã xây dựng được các mô hình kinh tế phù hợp với chương trình xây dựng NTM của xã An Sơn. Ông Trung đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá đĩa và trồng hoa lan kết hợp với vườn cây ăn trái truyền thống. Các mô hình này cũng là những mô hình nông nghiệp đô thị, NNCNC phù hợp với xã điểm xây dựng NTM như An Sơn.  

Mô hình trồng hoa lan, nuôi cá đĩa kết hợp vườn cây ăn trái của ông Võ Hiếu Trung tại xã An Sơn, TX.Thuận An mang lại hiệu quả kinh tế cao

Không riêng nông dân An Sơn mà nhiều nông dân tại các địa phương xây dựng NTM khác cũng đã ý thức hơn trong việc xây dựng những mô hình kinh tế mới hiệu quả. Những mô hình đang được nông dân các địa phương xây dựng NTM chú ý là trồng cây kiểng, nuôi cá cảnh, trồng hoa lan, rau mầm, rau sạch, trồng nấm, nuôi những loài vật có giá trị kinh tế cao như rắn ráo trâu, rắn mối, kỳ đà, nhím… Bên cạnh việc khuyến khích người dân xây dựng các mô hình kinh tế mới, chính quyền các xã xây dựng NTM cũng chú ý đến việc nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế hiện có. Nhiều xã xây dựng NTM đang sở hữu các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng cao su, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung... Do diện tích có hạn nên các xã này khó có khả năng mở rộng diện tích các vườn cây, vì vậy việc tập trung thâm canh nâng cao năng suất các vườn cây luôn được địa phương chú trọng. Ông Phan Quang Minh, Chủ tịch UBND xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, cho biết An Lập hiện có hơn 2.600 ha diện tích cao su tiểu điền. Trong thời gian tới, ngoài việc hướng dẫn bà con nâng cao chất lượng vườn cây cao su như hỗ trợ phòng trừ sâu bệnh, phối hợp với các công ty phân bón để giúp bà con đầu tư hiệu quả, chúng tôi cũng sẽ tập trung hỗ trợ cho bà con xây dựng các mô hình khác có hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa lan, cây cảnh, nuôi rắn, nuôi ếch….

Lợi thế của các mô hình mới được xây dựng trong thời gian qua tại các xã NTM là đạt hiệu quả kinh tế cao, có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các mô hình kinh tế mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ mang tính thử nghiệm mà chưa đi sâu khai thác hiệu quả; sự liên kết giữa các mô hình là chưa mạnh. Vì vậy, để các mô hình này tiếp tục phát triển, đem lại thu nhập thực sự cho người nông dân, rất cần sự trợ lực từ các cơ quan hữu quan về vốn, kỹ thuật... để nông dân có thể khai thác hiệu quả các mô hình kinh tế mới này.

• CAO SƠN