Xây dựng huyện Dầu Tiếng hiện đại, văn minh, đạt tiêu chí đô thị loại III

Thứ bảy, ngày 21/12/2024

(BDO) Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn 2030-2040 sẽ nâng cao các tiêu chí của đô thị Dầu Tiếng đạt đô thị loại III, thành lập thị xã Dầu Tiếng.

Xây dựng vùng không gian phát triển bền vững

Đồ án phát triển vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 với định hướng phát triển không gian toàn huyện, bao gồm: không gian xây dựng đô thị, nông thôn và các khu chức năng đặc thù theo hướng gắn kết, hài hòa để huyện Dầu Tiếng trở thành một vùng không gian phát triển bền vững, có chất lượng sống tốt.

Các công trình giao thông mang tính kết nối được đầu tư xây dựng đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cho Dầu Tiếng (Trong ảnh: cầu Bình Tây kết nối Bình Dương - Tây Ninh)

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Huyện Dầu Tiếng sẽ tập trung quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hệ thống hạ tầng xã hội, xác định vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồ án Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở quan trọng để huyện Dầu Tiếng hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian trên địa bàn huyện trong thời kỳ tới, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”.

Giao thông khu vực được định hướng phát triển theo cả 2 hướng chính là hướng Bắc Nam và Đông Tây. 

Cụ thể, theo trục dọc Bắc - Nam với các tuyến Quốc lộ 56, ĐT744, ĐT748, ĐT749G, ĐT744B. Theo trục Đông - Tây có các tuyến ĐT750, ĐT749A, ĐT745A (Vành đai 5), ĐT745B, ĐT749B, ĐT749C, 749D, 749E, 749F.

Để tạo không gian kết nối vùng, trên sông Sài Gòn sẽ đầu tư xây dựng 4 cầu mới, gồm: Trảng Bàng - Dầu Tiếng 1, Trảng Bàng - Dầu Tiếng 2, Trảng Bàng - Dầu Tiếng 3, Dầu Tiếng - Củ Chi. 

Trên sông Thị Tính sẽ xây dựng 7 cầu mới, gồm: Long Hòa - Định Hiệp, Long Hòa - Long Tân, An Lập - Long Tân 1, An Lập - Long Tân 2, An Lập - Long Tân 3, An Lập - Long Nguyên, An Lập - Long Nguyên 2.

Theo Đồ án quy hoạch, toàn bộ huyện Dầu Tiếng được chia thành 5 phân vùng phát triển, dựa trên thế mạnh, tiềm năng sẵn có và tài nguyên của từng khu vực.

Trong đó, phân vùng 1 tập trung phát triển trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; ranh giới gồm thị trấn Dầu Tiếng, xã Thanh An, Định Hiệp, một phần các xã Thanh Tuyền, An Lập và Định Thành với tổng diện tích khoảng 18.600 ha. 

Phân vùng 2, huyện dành diện tích khoảng 13.400 ha để phát triển vùng đô thị, công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp phía Nam, bao gồm các xã Thanh Tuyền, An Lập và một phần xã Long Tân. 

Tại phân vùng 3, huyện bố trí 1.200 ha cho vùng phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ phía Đông; ranh giới gồm một phần các xã Long Hòa và Long Tân.

Phân vùng 4 có diện tích 17.400 ha để tạo vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao - đô thị - dịch vụ phía Bắc; ranh giới gồm xã Định Thành, Minh Tân, một phần các xã Minh Hòa và Định An. 

Tại phân vùng 5, huyện dành quỹ đất 15.500 ha xây dựng vùng phát triển dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ du lịch - nông nghiệp phía Tây Bắc; ranh giới gồm xã Định Thành, một phần các xã Minh Hòa và Định An.

Huyện Dầu Tiếng nằm phía Tây Bắc của tỉnh, cửa ngõ kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh. Do đó, định hướng phát triển giao thông trục chính của khu vực bảo đảm sự lưu thông nhanh chóng, tiện lợi và an toàn giữa các khu vực. 

Mở rộng không gian đô thị mới

Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, để góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời mở rộng không gian phát triển đô thị mới, nâng cấp các đô thị hiện hữu, cũng như đưa các địa phương đang phát triển mạnh để thành lập những đô thị mới, huyện Dầu Tiếng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040. 

Một góc đô thị huyện Dầu Tiếng

Theo đó, huyện đẩy nhanh hoàn thiện quy hoạch chung đô thị mới Thanh Tuyền đến năm 2040, các đồ án quy hoạch chung đô thị mới Long Hòa, Minh Hòa, thị trấn Dầu Tiếng đến năm 2040, đồng thời chỉnh sửa đề án nâng cấp đô thị Thanh Tuyền đạt tiêu chuẩn đô thị loại V theo phương án quy hoạch chung đô thị mới Thanh Tuyền đến năm 2040.

Thời gian qua, việc tập trung đầu tư các công trình giao thông mang tính kết nối đã tạo sức bật lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình, trên địa bàn huyện có các công trình quan trọng như nâng cấp đường ĐT744, ĐT749A, cầu Bình Tây kết nối Bình Dương - Tây Ninh, nâng cấp, mở rộng đường vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng. Qua đó, góp phần mở rộng kết nối giao thương, phát triển du lịch giữa các địa phương.

Bên cạnh những tuyến đường huyết mạch mang tính kết nối vùng, huyện Dầu Tiếng chú trọng đầu tư đồng bộ các tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 100% tuyến đường do  huyện quản lý và đường liên xã đã được nhựa hóa; 100% tuyến đường do xã quản lý được cứng hóa, trong đó có 41% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, bảo đảm lưu thông thuận tiện. 

Song song đó, huyện thực hiện chương trình phát triển đô thị gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, từ đầu năm đến nay huyện có thêm 2 xã Minh Thạnh, An Lập được công nhận xã NTM nâng cao. Toàn huyện hiện có 11/11 xã đạt NTM nâng cao. Hiện nay, các xã đang nỗ lực xây dựng, hoàn thành xã NTM kiểu mẫu.

Để bảo đảm phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển, ngoài các chương trình, đồ án phát triển đô thị, quy hoạch vùng nói trên, huyện Dầu Tiếng cũng thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng 8 xã Định Thành, Định Hiệp, Định An, Minh Tân, Minh Thạnh, Thanh An, An Lập và Long Tân. Từ đó, mở ra không gian phát triển mới đang ngày được hình thành rõ nét tại khu vực nông thôn trong toàn huyện, với hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 với mục đích tạo ra không gian phát triển mới theo hướng tích hợp tất cả các quy hoạch, tránh sự chồng chéo, bất cập như trong thời gian qua. Sau khi công bố quy hoạch, huyện Dầu Tiếng sẽ tiếp tục triển khai một số dự án đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng dịch vụ, thương mại du lịch để có cơ sở kêu gọi đầu tư.

Phương Lê-Hoàng Phong

Từ khóa: