Xây dựng hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến
(BDO) Hiện nay, hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến của Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (TT) chưa liên kết được dữ liệu của các chương trình quan trắc thành một hệ cơ sở dữ liệu (CSDL) chung, kết hợp với các hệ CSDL nguồn thải khác. Nhằm kết nối các cơ sở dữ liệu, TT triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu đề xuất hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến phục vụ công tác quan trắc môi trường nước tại Bình Dương”.
Hiện tại, hệ thống quan trắc môi trường nước tại TT (BREM) đang quản lý trực tuyến 97 trạm xử lý nước thải có gắn thiết bịquan sát tựđộng; 4 trạm quan trắc nước mặt tự động (1 trạm thuộc Tổng Cục Môi trường quản lý và 3 trạm thuộc sở tỉnh quản lý). Tất cả các trạm quan trắc nước thải, nước mặt tự động được quản lý qua một hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến ứng dụng. Ngoài ra, hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến có tích hợp tất cả các chương trình quan trắc môi trường khác của tỉnh. Hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến có khả năng chia sẻ dữ liệu quan trắc đến các cơ quan quản lý khi có yêu cầu. Dữ liệu được truyền bằng phương thức FTP (giao thức truyền tệp dữ liệu) với tần suất tối đa 1 tiếng/1 số liệu trung bình.
Hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến được xây dựng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, chạy online trên nền tảng Web, dữ liệu được quản lý tập trung, người dùng có thể truy cập sử dụng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị qua Internet. Bên cạnh đó, hệ thống có ứng dụng dành riêng cho thiết bị di động, máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Android hoặc IOS. Với các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Windows Phone... thì có thể chạy ứng dụng dưới dạng trình duyệt Web.
Tuy nhiên, hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến hiện tại chưa liên kết được dữ liệu của các chương trình quan trắc thành một hệ CSDL chung, kết hợp với các hệ CSDL nguồn thải khác, chưa dự báo kịp thời khi có sự cố hay các chỉ tiêu vượt quy định vẫn chưa thể đưa ra cảnh báo. Hệ thống này chưa thể trích xuất dữ liệu, số liệu đầu vào từ các trang thông tin trong, ngoài nước và liên kết với mô hình mô phỏng hỗ trợ trong công tác dự báo.
Nhằm kết nối các CSDL, tích hợp mô hình MIKE từ đó tìm ra nguyên nhân và dự báo các sự cố môi trường nước nhanh hơn và có cơ sở khoa học hơn, TT đang triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất hệ thống thông tin xử lý số liệu trực tuyến phục vụ công tác quan trắc môi trường nước tại Bình Dương”. Đề tài dự kiến hoàn thành cuối năm 2021
PHƯƠNG AN