Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường: Nền tảng xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai
(BDO) Với mục tiêu xây dựng một hệ thống thông tin đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý nhà nước về đất đai nói riêng và cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) nói chung, Bình Dương đã triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương”. Dự án là một trong những chủ trương lớn của tỉnh trong công tác quản lý TN&MT, tạo nền tảng xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai.
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thuận An thực hiện cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính
Hiệu quả trong quản lý
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT, cho biết: “Dự án Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương thực chất là việc ứng dụng công nghệ thông tin theo một thiết kế tổng thể, thống nhất trong toàn ngành về cơ sở toán học, định dạng dữ liệu, cấu trúc, font tiếng Việt, phân lớp thông tin… và có kế hoạch triển khai dài hạn để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc lưu trữ, bảo quản, khai thác thông tin. Ngoài việc liên kết giữa các phân hệ đo đạc bản đồ, môi trường, địa chất khoáng sản, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước... sản phẩm dự án còn có khả năng mở rộng, tương thích với các hệ thống thông tin địa lý khác. Bên cạnh đó, dự án còn đào tạo nâng cao trình độ cán bộ địa phương về công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho công tác chuyên môn hàng ngày và liên quan trực tiếp đến cơ sở dữ liệu đã xây dựng như: Thu thập, cập nhật, lưu trữ, cung cấp và khai thác thông tin TN&MT. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, sản phẩm được đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh”.
Dự án đã trang bị thiết bị, máy móc cho nhân viên các phòng, đơn vị thuộc sở đến từng công chức địa chính các xã, phường, thị trấn. Những thiết bị này ngoài việc phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày còn phục vụ cho công tác quản lý, lưu trữ và khai thác cơ sở dữ liệu. Những thiết bị đã đầu tư như máy chủ, máy trạm, ổ cứng, bộ lưu điện, máy scan, switch... Với việc trang bị các phần mềm có bản quyền của những hãng công nghệ uy tín như Microsoft, Esri làm tiền đề để quản lý và xây dựng các ứng dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng của tỉnh. Kết quả đã xây dựng được phần mềm ViLIS với hơn 200 chức năng, được nhân viên các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thao tác trực tiếp hàng ngày để thực hiện các thủ tục về đất đai cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Bà Thủy cho biết thêm, dự án đã trang bị cho các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT, văn phòng đăng ký đất đai và 9 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đầy đủ, đồng bộ các thiết bị, hệ thống mạng như: Modem, Switch, mạng VPN-Firewall, hệ thống chống sét. Kết hợp với sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tốc độ đường truyền khoảng từ 12Mbps đến 64Mbps để khai thác, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đã xây dựng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu
Bình Dương là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức thực hiện, xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu địa chính tập trung cho 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thành phần, cấu trúc dữ liệu được xây dựng đúng theo các quy định hiện hành của Bộ TN&MT. Trong đó, dữ liệu thuộc tính địa chính đã xây dựng được cho 448.601 thửa đất, nhập 11.235.827 trường chữ, 8.039.089 trường số. Dữ liệu không gian được xây dựng khép kín cho toàn tỉnh (khoảng 961.784 thửa đất), trong đó 779.893 thửa đất đã hoàn thiện theo quy định. Scan, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện và cập nhật vào cơ sở dữ liệu được 284.333 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tổng số khoảng 437.435 hồ sơ của toàn tỉnh.
Ngoài ra, dự án đã cập nhật, chỉnh lý và đưa vào vận hành một bộ bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên toàn tỉnh. Văn phòng đăng ký đất đai, công chức địa chính các xã, phường, thị trấn khai thác, cập nhật các biến động trên nền bộ bản đồ duy nhất này nhằm bảo đảm tính thống nhất, tính kịp thời của các biến động đất đai, tránh việc trùng thửa. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, đến nay, dự án đã hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, tập trung, đồng bộ và hoàn chỉnh để đưa vào quản lý, khai thác và sử dụng theo quy định. Công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính được Ban Giám đốc Sở TN&MT quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, dẫn đến cơ sở dữ liệu ngày càng hoàn chỉnh, chính xác, các biến động đất đai được cập nhật thường xuyên, liên tục vào cơ sở dữ liệu. Qua đó, giúp cho việc tra cứu, báo cáo số liệu, cung cấp thông tin được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn. Hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn, đắc lực hơn cho công tác thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được của Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương” là nền tảng để tỉnh tiến tới xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai. Góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa ngành TN&MT, đẩy nhanh công cuộc cải cách, tinh giảm thủ tục hành chính, phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác kê khai, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ cá nhân và tổ chức ở nhiều mức độ khác nhau; làm cho các hoạt động của ngành ngày càng minh bạch, tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin cũng như tiếp cận các dịch vụ công và phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn khác của ngành TN&MT.
PHƯƠNG LÊ