Xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, carbon thấp

Thứ năm, ngày 27/07/2023

(BDO) Phát triển kinh tế bền vững là vấn đề được tỉnh quan tâm, đặt ra định hướng cụ thể với nhiều giải pháp phù hợp. Đối với ngành nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp cũng đã được triển khai.

Kinh tế tuần hoàn

Từ nền sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp, trong giai đoạn đầu chuyển sang phát triển sản xuất hàng hóa với mô hình vườn - ao - chuồng, nông dân Bình Dương đã xem việc tiết kiệm, tận dụng nguồn nguyên liệu, phụ phẩm trong nông nghiệp là giải pháp quan trọng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận đây là khối vận hành sơ khởi của kinh tế tuần hoàn.


Mô hình chăn nuôi heo theo chuỗi cung ứng an toàn, tăng trưởng xanh của anh Nguyễn Văn Sơn (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mô hình sản xuất chuyên canh, kinh tế tuần hoàn được mở rộng theo chuỗi với nhiều đơn vị tham gia. Cụ thể, chăn nuôi trang trại quy mô tập trung, tạo ra lượng phụ phẩm lớn, kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất ra phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ cho ngành trồng trọt, sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Nguồn phụ phẩm trong trồng trọt như vỏ bưởi, bưởi non, cam non... được tận dụng để chế biến thành các sản phẩm như tinh dầu, xà phòng học sản phẩm sấy... Một số đơn vị đã tận dụng phụ phẩm từ cây ăn trái có múi để chế biến, như: Trang trại Sol Retreat, xã Hiếu Liêm; Hợp tác xã Đồng Thuận Phát, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên…

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 580 ha trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ với các loại cây trồng như cam, mít, rau các loại. Một số cơ sở, trang trại lớn có điều kiện, có dự án hợp tác và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thực hiện đầu tư áp dụng quy trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ và được tổ chức quốc tế thẩm định cấp giấy chứng nhận. Đơn cử, Công ty Cổ phần Vinamit có vùng trồng với diện tích 152 ha tại Phú Giáo được tổ chức canh tác hữu cơ và nông sản hữu cơ, Bộ Nông nghiệp Mỹ chứng nhận. Hợp tác xã Nhân Đức với 11 ha trồng cam sành, cam xoàn và Hợp tác xã Dịch vụ Năm Hạng có 8,9 ha trồng cam sành ở huyện Bắc Tân Uyên được tổ chức hữu cơ EU (Liên minh châu Âu) chứng nhận nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất theo quy trình đạt VietGAP, GlobalGap được tỉnh triển khai mạnh mẽ từ năm 2014. Quy trình sản xuất này bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất và không tổn hại đến môi trường. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh có 354 cá nhân, tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận áp dụng VietGAP (chăn nuôi 149 hộ và trồng trọt 205 hộ). Các trang trại trên địa bàn tỉnh sau khi được chứng nhận VietGAP ngoài cung ứng sản phẩm nông sản an toàn cho thị trường nội địa còn hướng tới xuất khẩu. Các trang trại bước đầu đã liên kết với các đơn vị thu gom, sơ chế tạo thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.

Tăng trưởng xanh

Mô hình chăn nuôi heo hữu cơ của anh Nguyễn Văn Sơn, ấp Tân Đức, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng là một trong những điển hình trong sản xuất xanh. Trang trại có quy mô diện tích 3 ha, được áp dụng theo mô hình trại lạnh, khép kín. Anh Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Để cho chất lượng thịt thơm, dẻo, ngoài khâu chọn giống, thức ăn hoàn toàn từ các nguyên liệu hữu cơ sạch như đậu nành, bắp, bột cá. Tôi đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn hữu cơ để cung cấp cho toàn bộ trang trại. Thịt heo được chế biến thành các sản phẩm như giò, nem, chả, xúc xích... bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.

Toàn tỉnh hiện có 477 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại (trong đó có 253 trang trại chăn nuôi heo) chủ yếu tập trung ở 4 huyện phía bắc (Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên). Để chăn nuôi phát triển bền vững, các cơ sở chăn nuôi đã đầu tư hệ thống trại lạnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, công nghệ cao, thực hiện tốt và triệt để các biện pháp xử lý môi trường. Tại hơn 1.500 hộ chăn nuôi heo quy mô nông hộ, đa phần các hộ đã thực hiện bảo vệ môi trường bằng các biện pháp, như: Sử dụng hầm biogas, sử dụng men vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Các hộ chăn nuôi theo quy mô nông hộ có xu hướng ngừng chăn nuôi do thức ăn tăng cao, không còn quỹ đất để phát triển hoặc nằm trong khu vực dân cư. Về cơ bản, nhiều nông hộ đã thực hiện chuyển đổi mô hình quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi quy mô trang trại gắn với bảo vệ môi trường. Mục tiêu tăng trưởng xanh trong chăn nuôi đã đạt được.

Báo cáo chuyên đề nội dung liên quan đến phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng sản xuất nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của môi trường, đồng thời quá trình sản xuất cũng tác động trực tiếp đến môi trường. Ở các lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm ngành chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường. Trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã kiểm tra đối với 1.539 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi... Các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Trong thời gian qua, tỉnh đã lồng ghép các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh, quy hoạch phát triển nông, lâm, nghiệp tỉnh, quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương... Đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ; phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”; triển khai đặt hàng các đề tài nghiên cứu xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; đề tài về nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh...

TIẾN HẠNH - QUỐC KHÁNH