Xây dựng hạ tầng viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, tỉnh Bình Dương còn chú trọng phát triển bưu chính, viễn thông (BCVT). Đến nay, hạ tầng VT đã bao phủ đến các địa phương trong tỉnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước hoàn thiện để phục vụ Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
(BDO)
Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng VT đã giúp cho Bình Dương có hệ thống VT phát triển mạnh, đa dạng các dịch vụ, đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà Trong ảnh: Hoạt động kinh doanh của Viễn thông Bình Dương. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Hạ tầng hiện đại, đồng bộ
Xác định BCVT là một trong những công cụ quan trọng để hình thành xã hội thông tin, phục vụ tốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đã đầu tư cơ sở hạ tầng VT hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ, như dịch vụ internet tốc độ cao, truyền hình IpTV… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.251 trạm thu phát sóng di động (trạm BTS). Các nhà mạng Vinaphone, Mobifone và Viettel đã triển khai thành công mạng di động 4G, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ băng rộng di động cho người dùng. Bên cạnh đó, hệ thống internet cáp quang đã triển khai đến 100% địa bàn các xã, vùng dân cư trong toàn tỉnh.
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng BCVT, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong thời gian qua hoạt động VT đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành VT đã đáp ứng điều kiện cần thiết để phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân và doanh nghiệp; đủ điều kiện để triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Thanh Khiết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT), thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), đến nay VNTT đã xây dựng được cơ sở hạ tầng VT hiện đại,, trong đó Trung tâm dữ liệu eDatacenter của VNTT là một trong 4 trung tâm dữ liệu lớn nhất của cả nước.
Đáp ứng đề án xây dựng thành phố thông minh
Việc áp dụng hệ thống mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT) đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai khi xây dựng thành phố thông minh. Thực tế cho thấy, khi triển khai IoT, hạ tầng VT đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và truyền tải thông tin. “Triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, VNTT sẽ đáp ứng các điều kiện về hạ tầng VT, chất lượng dịch vụ để triển khai các ứng dụng VT, công nghệ thông tin. Ngoài các dịch vụ đã triển khai như VPN Bonding (mạng riêng ảo bảo mật cao), NOC-SOC (hệ thống bảo mật)… VNTT sẽ tiếp tục nâng cao các dịch vụ của eDatacenter như web hosting, mail hosting, cloud backup…”, ông Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc eDatacenter của VNTT nói.
Theo lãnh đạo Viễn thông Bình Dương (VTBD), những năm qua đơn vị đã đẩy mạnh các dự án trên địa bàn theo thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và VTBD, như dự án cung cấp phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, dịch vụ SMS tra cứu thủ tục hành chính… cho các sở, ban, ngành. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các dịch vụ đã ký kết với các sở, ban, ngành, đồng thời ứng dụng chữ ký số cho các doanh nghiệp; triển khai quy hoạch hệ thống hạ tầng VT - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phục vụ Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng tiếp tục triển khai và khuyến khích việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng VT, điện lực, truyền hình, giao thông - vận tải và các ngành khác trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, tiết kiệm nguồn lực đầu tư của xã hội và nâng cao nhận thức bảo vệ các công trình BCVT. Thực tế, đây là cơ sở hạ tầng cho các ngành kinh tế - xã hội phát triển, liên quan trực tiếp đến công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến nhân dân.
KHÁNH ĐĂNG