Xây dựng hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển thời kỳ mới
(BDO) Bình Dương đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sử dụng có hiệu quả các công trình tạo lực… thúc đẩy tỉnh nhà phát triển trong giai đoạn mới.
Huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư
Những năm qua, Bình Dương đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, giao thông, điện, cấp thoát nước, giáo dục, y tế... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Giai đoạn 2012-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 14%/năm; giai đoạn 2021-2024 ước tăng bình quân 7,4%/năm. Bình Dương đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh chủ yếu bố trí đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Cầu Bạch Đằng 2 vừa được khánh thành đưa vào sử dụng tạo kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển
Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, Bình Dương đã tích lũy được một nền tảng lớn về hạ tầng, đi kèm với một không gian rộng lớn để dành cho các bước phát triển tiếp theo. Đây là thành quả quý báu của quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch của Bình Dương, đã trở thành một mô hình phát triển kiểu mẫu tại Việt Nam và được lan tỏa ra nhiều địa phương trong cả nước thông qua các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp được xây dựng theo hướng xanh và thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cho chuyên gia và các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Các hệ sinh thái công nghiệp - đô thị này đã tạo ra sự bình đẳng về thụ hưởng hạ tầng xã hội, hệ thống y tế và giáo dục cho các tầng lớp trong xã hội.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cho biết Bình Dương có cơ sở hạ tầng tốt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như kết nối với các địa phương lân cận, như Quốc lộ 13 nối từ TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Phước, kết nối với Quốc lộ 14, với huyện Lộc Ninh, Bình Phước sang Campuchia; đường Mỹ Phước - Tân Vạn đường đi qua các khu công nghiệp lớn tại TP.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An đến cửa ngõ sân bay, cảng biển quốc tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đường ĐT744 kết nối Bình Dương với tỉnh Tây Ninh; đường ĐT741 kết nối Bình Dương với tỉnh Bình Phước…
Tăng cường kết nối liên vùng
Bình Dương phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường tương xứng với các nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, vùng với quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới; định hướng đến năm 2045 phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đô thị thông minh, kết nối và hội nhập với xu hướng phát triển của thế giới. Bình Dương tiếp tục phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đông Nam bộ; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các tài nguyên khác.
Bình Dương cũng tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư; trong đó ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững và các công trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó thu hút đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước. Bên cạnh đó, Bình Dương tiếp tục huy động hợp lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án thoát nước, xử lý nước thải, chống ngập tại các đô thị lớn và các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng; chú trọng đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện, tham mưu triển khai các nhiệm vụ về xây dựng, cải tạo, tái thiết và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các dự án hạ tầng đô thị theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG