Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Nền tảng thu hút đầu tư
(BDO) Trong những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) nhằm tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Trong 6 tháng qua, vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh đạt khá. Trong ảnh: Khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước III (TX.Bến Cát) Ảnh: XUÂN THI
Vốn đầu tư thực hiện đạt khá
Đến nay toàn tỉnh có 28 KCN. Trong 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Rạch Bắp tăng diện tích thêm 360 ha, từ 278,6 ha lên 638,6 ha. Thực hiện công tác quản lý quy hoạch, Ban Quản lý Các KCN tỉnh tiếp tục được giao quản lý 26 KCN với tổng diện tích quy hoạch 9.734,59 ha, tăng 360 ha so với năm 2016; trong đó có 24 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 8.832,19 ha. Riêng KCN Thới Hòa diện tích 202,4 ha, vẫn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; KCN Cây Trường với 700 ha đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Trong 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của 25 KCN do Ban Quản lý Các KCN tỉnh quản lý thực hiện được 144,57 tỷ đồng, đạt 72,29% kế hoạch năm 2017. Vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật tập trung chủ yếu vào các hạng mục như san lấp mặt bằng, đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, trồng cây xanh… Tính đến nay, vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các KCN này là 9.018 tỷ đồng, đạt 59,7% tổng số vốn được duyệt.
Về đầu tư xây dựng công trình của các doanh nghiệp đầu tư KCN, 6 tháng đầu năm 2017 Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã cấp phép xây dựng cho 104 công trình (giảm 14 công trình so với cùng kỳ năm 2016) với tổng diện tích sàn xây dựng 2.886.482 m2 (bằng 258,62% so với cùng kỳ năm 2016) và tổng vốn xây dựng 2.133 tỷ đồng (giảm 254 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016). Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã kiểm tra hoàn công 83 công trình (tăng 12 công trình so với cùng kỳ năm 2016) với tổng diện tích sàn xây dựng 726.211 m2 (tăng 125.643 m2 so với cùng kỳ năm 2016); giá trị đầu tư đạt 1.734 tỷ đồng (tăng 71,37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016) và đạt 78,81% kế hoạch năm 2017. Như vậy, tổng vốn đầu tư xây dựng thực hiện tính đến hết tháng 6 năm 2017 (bao gồm vốn đầu tư của chủ đầu tư KCN và các doanh nghiệp trong KCN) đạt 1.878,58 tỷ đồng, tăng 59,78 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 78,27% kế hoạch năm 2017.
Ngoài ra, trong 6 tháng qua Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã điều chỉnh giấy phép xây dựng cho 6 trường hợp, xác nhận thông tin để cấp sở hữu công trình cho 30 trường hợp. Các KCN do ban quản lý đã trồng 16,78 ha cây xanh tập trung; tính đến nay 24 KCN đã trồng được 518,82 ha cây xanh tập trung (đạt 61,71% so với quy hoạch đã được duyệt) và 131.450 cây xanh phân tán.
Giải quyết sớm những khó khăn
Theo đánh giá, nhờ công tác quản lý quy hoạch và xây dựng các KCN trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt đã góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư vào các KCN. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong những năm qua Bình Dương đã tập trung đầu tư hạ tầng các KCN cùng hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, tạo cho môi trường đầu tư của tỉnh nhà ngày càng tốt hơn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhờ đó đã góp phần thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, cụ thể như khó khăn trong công tác thống kê tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng, do các chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng không báo cáo. Đối với KCN Bàu Bàng mở rộng chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án của nhà đầu tư; cùng với đó việc giãn tiến độ đầu tư, góp vốn của dự án quá 24 tháng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể…
Ông Đặng Quang Việt, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, cho biết từ này đến cuối năm 2017 ban quản lý sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như hướng dẫn, đôn đốc Công ty cổ phần BIFA lập hồ sơ quy hoạch và thủ tục đầu tư KCN Tân Lập I để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục hỗ trợ các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư mở rộng; hỗ trợ KCN Tân Bình xin chủ trương mở rộng thêm 1.000 ha. Bên cạnh đó, ban quản lý đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư KCN Tân Đông Hiệp B hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, KCN Tân Đông Hiệp A hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê cho các nhà đầu tư trong KCN; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án KCN Mai Trung theo Công văn số 173/TTg-KTN. Ngoài ra, đơn vị cũng yêu cầu chủ đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN Tân Đông Hiệp B, Sóng Thần III, Đại Đăng, Kim Huy lập hồ sơ điều chỉnh giảm diện tích theo tinh thần Văn bản số 173/TTg-KTN ngày 28-1-2016 của Chính phủ để trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch điều chỉnh theo quy định.
Trong số 4 KCN của KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) trên địa bàn tỉnh có 2 KCN (VSIP I và VSIP II) đã xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cho thuê hết đất công nghiệp. 2 KCN còn lại là VSIP II-A và Mapletree đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng và cho thuê đất. Trong 6 tháng đầu năm 2017, chủ đầu tư 2 KCN này đã triển khai xây dựng hoàn thiện hạ tầng 30ha. Từ đầu năm đến nay, KCN VSIP II-A đã cho thuê được 77ha; tổng diện tích đất cho thuê đến thời điểm này là 570ha, đạt 85% so với đất công nghiệp có thể cho thuê theo quy hoạch. Tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vào KCN này đến nay đã thực hiện là 146 triệu USD. Riêng KCN VSIP III được quy hoạch bước đầu khoảng 1.000ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hội Nghĩa của TX.Tân Uyên và Tân Lập của huyện Bắc Tân Uyên.
PHƯƠNG LÊ