Xây dựng giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị: Kết quả chưa tương xứng với tiềm lực!
Trong hơn 10 năm qua, phong trào xây dựng giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị (GTNT-CTĐT) Bình Dương đã đạt được những kết quả khả quan. GTNT Bình Dương đã thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của một tỉnh công nghiệp.
Ngày càng hoàn thiện
Trong hơn 10 năm qua (bắt đầu từ năm 1997), hệ thống GTNT Bình Dương ngày càng hoàn thiện. Qua đó bộ mặt của nông thôn Bình Dương có sự thay đổi đáng kể và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tiến trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Rất nhiều các tuyến đường liên xã, liên ấp được hình thành đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự thông thương và đi lại của người dân. Tại các phường của thị xã, thị trấn xuất hiện ngày càng nhiều các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa góp phần làm hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng của các địa phương.
Nhiều tuyến đường GTNT ở Bình Dương được đầu tư hiện đạiNhững kết quả đạt được trong thời gian qua xuất phát từ sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành đã chú trọng hơn trong việc dựa vào dân, biết khơi dậy mọi nguồn lực vốn có từ trong dân để tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nói chung, làm GTNT nói riêng. Bằng các cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp, các cấp, các ngành đã chú trọng việc lồng ghép các chương trình, dự án để phong trào ngày một phát triển đúng hướng và phù hợp.
Một phần nguồn kinh phí thực hiện phong trào này là từ ngân sách, phần còn lại là từ sự tham gia đóng góp từ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong năm 2009, toàn tỉnh đã thực hiện được 607 công trình GTNT-CTĐT, đạt 121% so với năm 2008. Tổng kinh phí thực hiện các công trình này là 253.499 triệu đồng, đạt 147,1% so với năm 2009. Trong năm qua, chính quyền và nhân dân các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tăng tỷ trọng các tuyến đường có quy mô, kết cấu mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng nhằm nâng cao chất lượng sử dụng và tuổi thọ công trình. Năm 2009, tỷ lệ nhựa, bê tông hóa chiếm 37,40% về số công trình (227/607 công trình), 25,26% về tổng chiều dài (76.557m/303.032m). Những con số này cho thấy chính quyền và nhân dân các địa phương đã có nhận thức cao hơn trong việc thực hiện phong trào này.
Sự đóng góp cần mạnh mẽ hơn
Tuy đã đạt được những kết quả cao nhưng thời gian gần đây mức độ đóng góp của nhân dân trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu giảm dần qua từng năm. Phân tích số liệu báo cáo phong trào GTNT-CTĐT năm 2009 cho thấy, mức độ huy động từ nhân dân trong tổng kinh phí đầu tư của cả tỉnh chỉ đạt 17.716 triệu đồng và chỉ chiếm 6,99%. Mức độ đóng góp của các công ty, cơ quan còn rất thấp, trong năm 2009 chỉ huy động được 50 triệu đồng (chiếm 0,02% tổng kinh phí đầu tư), trong khi đó các phương tiện vận chuyển hàng hóa của các công ty, xí nghiệp lại là tác nhân chính gây ra sự xuống cấp của các tuyến đường. Trong thời gian qua, nguồn ngân sách của huyện chiếm trên 60% và ngân sách của xã, phường chiếm hơn 21%. Nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân trong phong trào này cũng rất đa dạng như: tiền mặt, đất đai, cây trồng, sức lao động... Việc đóng góp của nhân dân thấp gây ra sự thiếu hụt trong kinh phí thực hiện và điều tất yếu là phải trích ngân sách Nhà nước ra để bù đắp vào khoản thâm hụt này. Nếu biết phát huy sự đóng góp của các công ty, xí nghiệp vào phong trào thì sẽ có một nguồn kinh phí lớn để đầu tư xây dựng.
Quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh đã tạo ra sự phân hóa rõ ràng về các mặt giữa các huyện phía bắc và các huyện phía nam của tỉnh. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu khác nhau cho các địa phương trong quá trình thực hiện phong trào GTNT-CTĐT. Quan điểm của UBND tỉnh là việc xây dựng các công trình trong thời gian tới cần phải phù hợp với những tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Các địa phương phía Nam của tỉnh như Thuận An, Dĩ An, TX.TDM trong thời gian qua đã thực hiện tốt phong trào này. Trong thời gian tới, các tuyến đường trên địa bàn các địa phương này sẽ được xây dựng theo hướng nhựa hóa, bê tông hóa; mở rộng và nâng cấp các tuyến đường hiện có. Còn với các huyện phía Bắc sẽ phát triển theo hướng song song giữa bê tông hóa, nhựa hóa và trải sỏi đỏ.
Việc thực hiện phong trào cũng còn gặp phải một số khó khăn như công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các hộ đầu tuyến, những hộ ở các đoạn đường cong; việc di dời các công trình hạ tầng (trụ điện, ống cấp nước...) chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thi công của các công trình GTNT-CTĐT; nguồn vật liệu chính cung cấp cho các công trình (sỏi đỏ) ngày càng khan hiếm và chất lượng vật liệu không cao nên mặt đường nhanh xuống cấp... Ông Phạm Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên băn khoăn: “Thời kỳ đầu khi xã thực hiện phong trào làm đường GTNT thì nhân dân trên địa bàn xã tham gia rất nhiệt tình bằng việc đóng góp cây cối, đất đai. Nhưng theo dự đoán của chúng tôi trong thời gian tới khi nâng cấp và mở rộng các tuyến đường GTNT theo tiêu chí của nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hiện nay giá trị của cây cối, đất đai so với thời kỳ đầu là cao hơn rất nhiều và vì vậy sự đóng góp tự nguyện của nhân dân sẽ bị hạn chế”. Dù vậy, nếu biết khai thác sức dân một cách hợp lý thì phong trào chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn.
ĐÀ BÌNH