Xây dựng giá trị của thương hiệu bằng chính nội lực

Thứ ba, ngày 13/12/2022

(BDO) Gỗ là một trong những ngành thế mạnh, luôn dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này vẫn còn tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 DN chế biến gỗ; trong đó 905 DN trong nước. Đây là nguồn lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để ngành gỗ liên tục đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Cùng với các cơ hội và thuận lợi, ngành gỗ đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới.

Trong khi đó, sự gia tăng cạnh tranh của DN các nước sản xuất đồ gỗ trên thế giới đang tạo những áp lực lớn lên các DN trong nước. Xét về nội tại, yếu tố chủ quan, năng lực cạnh tranh của DN chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Dương phần lớn chưa thật sự mạnh, còn tự phát, thiếu bền vững. Các DN hiện vẫn còn đầu tư mang tính dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến.

Những thách thức đó đòi hỏi DN gỗ phải thật sự nhận thức và hành động, phải xem bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển bền vững và cũng không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường theo kiểu sản xuất trước làm sạch sau.

Giá trị của thương hiệu sẽ được xây dựng bằng chính nội lực, năng lực cạnh tranh bền vững, chất lượng của các DN. Bên cạnh đó DN cần tập trung vào một số “lực đẩy” như cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ, các phương án xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Một trong những thuận lợi là thời gian qua, với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển DN bền vững SCORE, một số DN chế biến gỗ đã được tham gia học tập và triển khai các biện pháp cải tiến sản xuất nhằm cắt giảm lãng phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các DN còn được tư vấn về sản xuất sạch hơn theo sự hỗ trợ của ngành công thương, giảm thiểu chi phí sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện nay, ngành gỗ còn đẩy mạnh thêm việc liên kết chuỗi, đặc biệt liên kết giữa DN chế biến gỗ và hộ trồng rừng, giữa DN chế biến và công ty lâm nghiệp và giữa DN chế biến với DN nước ngoài theo hình thức đầu tư chất lượng cao, theo chuỗi sản xuất có tiềm năng trong việc tạo các bước phát triển đột phá trong ngành chế biến xuất khẩu đầy tiềm năng này.

TIỂU MY