Xây dựng gia đình phát triển toàn diện, là mái ấm của mỗi người

Thứ tư, ngày 28/06/2023

(BDO) Trong bất kỳ thời đại nào, gia đình đều có một vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa gia đình gắn với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc cũng là mục tiêu mà các cấp, các ngành cũng như mỗi gia đình trong tỉnh hướng đến.

 Sự quan tâm, chia sẻ của mỗi thành viên trong gia đình sẽ góp phần xây dựng gia đình càng hạnh phúc hơn. Trong ảnh: Một gia đình tham gia thi nấu ăn tại Ngày hội gia đình Việt Nam TP.Thủ Dầu Một năm 2023

 Hạnh phúc cần có sự chia sẻ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi, thậm chí có những thay đổi có thể làm mai một truyền thống. Thế nhưng, những giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng nhất đối với mỗi người Việt Nam. Gia đình vẫn là nơi giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống tinh thần của mỗi con người cũng như của xã hội.

Theo chị Trịnh Vân Anh, ngụ khu phố 6, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một, để xây dựng gia đình hạnh phúc, sự quan tâm chia sẻ của các thành viên trong gia đình đối với nhau rất quan trọng. “Vợ chồng cả ngày đều đi làm, nên khi về nhà mỗi người một tay phụ giúp nhau làm công việc nhà thì không khí gia đình sẽ ấm áp, hạnh phúc hơn. Vợ nấu ăn thì chồng nhặt rau, rửa chén. Đối với con, dù còn nhỏ, nhưng vợ chồng mình cũng hướng dẫn con làm những việc nhỏ như quét nhà, lấy quần áo ra phơi, xếp quần áo… để con biết sống có trách nhiệm, biết chia sẻ”, chị Trịnh Vân Anh chia sẻ.

Dù sống chung ba thế hệ nhưng không khí của gia đình bà Nguyễn Thị Thái (64 tuổi), khu phố 6, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, luôn vui vẻ, hòa thuận. Để giữ được điều đó, bà Thái cho rằng mỗi thành viên trong gia đình phải sống có trách nhiệm, biết yêu thương, chia sẻ với nhau. Bà Nguyễn Thị Thái chia sẻ: “Ngoài thời gian tham gia công tác địa phương, với vai trò là người bà, người mẹ trong gia đình, về nhà tôi quán xuyến công việc gia đình, phụ việc cho con, cháu nhằm tạo điều kiện cho các con đi làm, cháu đi học. Sau giờ làm, giờ học về nhà, con cháu cũng phụ mẹ, phụ bà công việc nhà”.

Quan tâm công tác gia đình

Trong những năm qua, công tác gia đình luôn là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm giữ gìn, phát huy giá trị gia đình. Hàng năm, chính quyền các cấp đều ban hành kế hoạch về triển khai công tác gia đình. Căn cứ kế hoạch này, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bám sát tiêu chuẩn gia đình văn hóa để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tạo nên sự chuyển biến về nhận thức sâu sắc trong cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển.

Các đoàn thể thường xuyên lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào thi đua, như: Sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ gia đình… để có thể cùng nhau giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, đề cao giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Ngoài ra, ngành văn hóa từ tỉnh đến cơ sở còn tổ chức, phối hợp tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, các vấn đề về gia đình, về bình đẳng giới… nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình trong giai đoạn hiện nay. Công tác tuyên truyền còn được tập trung đẩy mạnh nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) hàng năm; tổ chức gặp mặt, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu, các tổ chức, cá nhân, gia đình có thành tích tiêu biểu trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình…

Tại các địa phương, công tác gia đình được triển khai ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Ông Trần Bảo Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết đến nay, trên địa bàn thành phố có 51.975 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 99% và nhiều tấm gương điển hình trong công tác xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây là những nhân tố tích cực, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố ngày càng bền vững.

 Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, Ngày Gia đình Việt Nam năm nay đã và đang được ngành văn hóa, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh hưởng ứng với nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức, như: Hội thi tuyên truyền lưu động, họp mặt, giao lưu, nói chuyện chuyên đề về gia đình, tổ chức ngày hội gia đình... Tham gia những hoạt động này, các gia đình có cơ hội giao lưu, học hỏi thêm những kinh nghiệm để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; gắn kết các gia đình trong cộng đồng cũng như kéo các thành viên trong mỗi gia đình xích lại gần nhau hơn.

 HỒNG THUẬN