Xây dựng gia đình hạnh phúc bằng sự chia sẻ, yêu thương
(BDO) Thời gian qua, trong đời sống người lao động xa quê có nhiều trường hợp mâu thuẫn giữa vợ và chồng dẫn đến xung đột, bạo lực, thậm chí xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, mỗi cặp vợ chồng cần kiềm chế khi nóng giận và có thái độ cư xử nhã nhặn, biết yêu thương để xây dựng gia đình bền vững.
Cần vượt qua áp lực kinh tế
Công nhân lao động xa quê khi bắt đầu lập nghiệp phải đối mặt với những lo toan cuộc sống, nhất là vấn đề kinh tế. Vì thế, nhiều công nhân lao động xa quê ngại lập gia đình. Khi lập gia đình rồi phải lo việc “cơm áo, gạo tiền”, chi phí trang trải, con cái học hành, phụ giúp gia đình nội-ngoại nên nhiều cặp vợ chồng cũng không tránh khỏi việc “bát đĩa xô nhau”, vợ chồng không cùng quan điểm và lời qua tiếng lại. Chị Nguyễn Cẩm Tú, một công nhân ở trọ tại TX.Dĩ An, chia sẻ: “Ngày vợ chồng tôi tiến đến hôn nhân cũng không nghĩ gì đến chuyện kinh tế. Cứ nghĩ hai đứa làm công nhân, cứ vậy mà làm và sống tiết kiệm cũng sẽ dành dụm được. Có khoảng thời gian do công ty giải thể nên chồng tôi thất nghiệp. Lúc đó chỉ mình tôi đi làm, anh ấy ở nhà trông con. Có con lại thêm chi phí các thứ nên vợ chồng cũng lo lắng về chuyện tiền bạc. Đàn ông vốn tính tự trọng mà lại thêm tính nóng nên chồng tôi rất dễ lớn tiếng không hay. Những lúc đó vợ chồng cũng thường hay mâu thuẫn gay gắt. Tôi nghĩ lại do hoàn cảnh nên cố kiềm chế và nhịn lời. Rồi sau đó anh ấy nguôi giận nghĩ lại đúng sai để vợ chồng hòa thuận hơn”.
Các gia đình thanh niên công nhân tham gia Ngày hội gia đình thanh niên công nhân do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh tổ chức
Đó là thời điểm mà chị Tú nhớ mãi vì gần như hôn nhân của chị sắp vỡ tan nhưng chị đã vượt qua được cảm xúc nhất thời để không dẫn đến sự việc tệ hại hơn. Sau thời gian đó, chồng chị Tú tìm được việc làm, có thu nhập, cuộc sống gia đình chị lại ổn định.
Tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, gia đình yên ấm hạnh phúc là điều kiện, tiền đề quan trọng bảo đảm chất lượng cuộc sống tinh thần cho một lao động sáng tạo đạt hiệu quả.
Cùng vun đắp yêu thương
Ý thức xây dựng gia đình cần phải được nâng cao, nhất là đối với những cặp vợ chồng lao động xa quê. Cả vợ và chồng đều phải có trách nhiệm vun đắp, tham gia xây dựng tổ ấm gia đình trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, dân chủ và thương yêu để cùng nhau nuôi dạy con tốt hơn...
Để có thể xây dựng gia đình hạnh phúc, ngoài việc trang bị những kiến thức về hôn nhân gia đình và biết thể hiện những thái độ cần thiết thì mỗi người cần có những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, cùng chia sẻ, giúp đỡ giữa hai vợ chồng, giải quyết sự căng thẳng, giận dữ, hoạch định, quản lý các công việc của bản thân và gia đình để cân bằng cuộc sống…
Anh Nguyễn Tấn Thịnh, một thợ xây quê ở miền Trung chia sẻ: “Cuộc sống xa quê tìm kế sinh nhai đã khó nên khi có công việc làm và có gia đình riêng thì tôi chỉ tập trung lo lao động. Mặc dù sống trong căn nhà trọ nhỏ nhưng vợ chồng luôn bảo nhau phải yêu thương, nhường nhịn, đoàn kết, gắn chặt với nhau sẽ không cô đơn, yên tâm sinh sống nơi đất khách quê người. Nếu vợ chồng cứ hay cãi vã, nói những lời không có sự tôn trọng đối phương thì rất dễ tổn thương nhau. Mâu thuẫn sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần, đến con cái và không biết cách giải quyết sẽ dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Vì vậy, vợ chồng đều phải có lý trí để suy nghĩ đúng, sai, xử sự tốt đẹp”.
Nhờ biết yêu thương, chia sẻ mà vợ chồng anh Trần Văn Tuấn và chị Lê Bích Hảo (quê ở Bạc Liêu) buôn bán rau ở một chợ nhỏ tại phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An), dù cuộc sống còn khó khăn nhưng trong nhà họ lúc nào cũng đầy ắp niềm vui. Trong mọi việc, hai vợ chồng anh chị luôn bàn bạc và thống nhất với nhau để “thuận vợ thuận chồng”. Từ việc bán hàng, dạy bảo con, mua đồ dùng gia đình và nhiều thứ khác, anh chị đều cùng nhau góp ý và đưa ra quyết định cho hợp lý. Nhờ vậy, mà vợ chồng ít khi mâu thuẫn, cùng hòa thuận chăm lo dạy bảo con cái. Anh Tuấn chia sẻ: “Nhờ vợ chồng đồng thuận, cùng lao động, vượt qua khó khăn mà đời sống gia đình tôi cũng ngày càng khá hơn, gia đình vui vẻ, an tâm sinh sống ở đất khách quê người...”.
NHƯ Ý