Xây dựng đội ngũ trí thức phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
(BDO) Thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, những năm qua ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt cho đội ngũ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành.
Đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài
Thực tế cho thấy, đội ngũ trí thức là lực lượng quan trọng trong quá trình xây dựng CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức, hàng năm Sở GD-ĐT phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu tỉnh ban hành nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên (CC-VC-NV), học sinh ngành GD-ĐT và dạy nghề. Bên cạnh đó ngành còn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên hàng năm. Đặc biệt, việc đưa cán bộ có đạo đức và triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài cũng được ngành quan tâm. Theo đó, để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công tác trong ngành, sở đã tham mưu tỉnh cử 5 trường hợp đi đào tạo ở nước ngoài, gồm 3 tiến sĩ và 2 thạc sĩ.
Trường Đại học Thủ Dầu Một trao bằng thạc sĩ cho các học viên
Theo bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT: “Trọng dụng nhân tài, trong các đợt tuyển dụng CC-VC có ưu tiên sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi; tạo môi trường công tác tốt để thu hút trí thức giỏi; tạo điều kiện cho CC-VC yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ; khuyến khích, có chính sách đãi ngộ đối với những người học tập nâng cao trình độ chuyên môn và đến nhận công tác ở các xã, vùng còn khó khăn…”. Học tập là suốt đời, ngay cả nhà giáo cũng thường xuyên học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Trong năm học và vào dịp hè, các nhà giáo thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề, trong đó chú trọng đổi mới công tác quản lý và giảng dạy.
Muốn có được đội ngũ trí thức vừa hồng, vừa chuyên, ngành đã chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi ở bậc THPT và đưa đi đào tạo dài hạn, chuyên sâu trong và ngoài nước, nhất là những ngành tỉnh có nhu cầu cấp thiết. Dõi theo bước tiến của ngành chúng tôi nhận thấy, tạo nền tảng vững chắc để phát triển đội ngũ trí thức, sở đã chú trọng đến chất lượng mũi nhọn, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Nhờ thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu và tích cực bồi dưỡng, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, số giải tăng lên hàng năm; riêng năm 2018 đạt 24 giải, trong đó có 4 giải nhì.
Thực tế cho thấy, để có được đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà có công đóng góp rất lớn của các trường đại học trong tỉnh. Ngoài đổi mới chương trình đào tạo, các trường đã đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế với các trường đại học của các nước, góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Trường lớp đáp ứng yêu cầu phát triển
Để bảo đảm công tác quy hoạch phát triển GD-ĐT đúng yêu cầu chiến lược phát triển giáo dục, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Bà Nguyễn Hồng Sáng nhìn nhận, những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp từ mầm non đến phổ thông được quy hoạch hoàn chỉnh, trang thiết bị trường học ngày càng được tăng cường, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong 10 năm qua, có 235 công trình trường học được đầu tư.
Sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc, trường lớp ở các cấp học, bậc học ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, đó là nhờ công tác xã hội hóa được đẩy mạnh. Nhiều năm qua, các cá nhân, doanh nghiệp đã tham gia đầu tư xây dựng trường học; các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ tu sửa trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, giúp cho GD-ĐT ngày càng phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương số 27 khóa X và Chương trình hành động số 78 của Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, tính đến năm 2018, số CB-CC-VC ngành được cử đi đào tạo và tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Cụ thể, có 588 người đạt trình độ thạc sĩ, 4 người đạt trình độ tiến sĩ, 87 người đang học cao học, 4 người nghiên cứu sinh.
H.THÁI