Xây dựng đội ngũ cán bộ - Nhiệm vụ “then chốt của then chốt”

Thứ tư, ngày 13/01/2021

(BDO)

Thành công nổi bật trong đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là các tổ chức Đảng đã chuẩn bị công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, dân chủ, công tâm, minh bạch. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm

Để nghị quyết đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ cấp ủy đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, năng lực ngang tầm để biến những chỉ tiêu, kế hoạch, nội dung, giải pháp được xác định trong nghị quyết đại hội trở thành hiện thực sinh động. Một trong những thành công nổi bật trong đại hội Đảng các cấp vừa tổ chức năm 2020 là các tổ chức Đảng đã chuẩn bị công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, dân chủ, công tâm, minh bạch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy, kết quả bầu cử cơ bản tập trung, bầu đúng, trúng, đủ nhân sự theo quy hoạch. Tỷ lệ phiếu trúng cử các chức danh chủ chốt cao, nhiều cán bộ lãnh đạo đạt tín nhiệm 100%. Chất lượng nhân sự được nâng lên rõ rệt. Số lượng bí thư cấp ủy là nữ, bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước.

Theo kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư của 67/67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, tuy số lượng ban chấp hành, ban thường vụ giảm theo quy định nhưng vẫn bảo đảm cơ cấu, chất lượng nâng lên so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cán bộ nữ được bầu vào cấp ủy đạt 15,72%, cao hơn nhiệm kỳ trước 2,69%. Cấp ủy viên người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%. Cấp ủy viên có trình độ thạc sĩ trở lên đạt 66,67%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,17%. Tuổi bình quân của ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy thấp hơn so với nhiệm kỳ trước; cơ bản bảo đảm 3 độ tuổi trong cấp ủy; có 28 đồng chí bí thư cấp ủy từ 50 tuổi trở xuống, đạt tỷ lệ 43,08%; có 27 đồng chí bí thư cấp ủy không là người địa phương, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%.

Đạt được kết quả nêu trên, theo nhận định của đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác cán bộ đã được các Đảng bộ tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, từ việc thể chế hóa các văn bản về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ. Quy trình công tác cán bộ được thực hiện theo 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”

Trên cơ sở quán triệt, thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19- 5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã nhấn mạnh: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững” và: “Xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức Đảng”.

Công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng được Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Điều đó xuất phát từ vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ đối với sứ mệnh, vận mệnh cầm quyền của Đảng cũng như sự tồn vong của chế độ, sự hưng vong của dân tộc. Hay nói cách khác, vị thế, uy tín, sức mạnh của Đảng cao hay thấp, mạnh hay yếu phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ cán bộ của Đảng trong hệ thống chính trị. Thực tiễn chứng minh, Đảng ta vững mạnh vì luôn có một đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh về mọi mặt. Do đó, việc quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ thực chất là chăm lo xây dựng sức mạnh nội sinh để bảo đảm cho Đảng xứng tầm với vị thế cầm quyền của mình trong xã hội.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Phương hướng chung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm cho Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp của đất nước không ngừng phát triển”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên bổ sung yếu tố cán bộ vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đó là: “Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

Như vậy, cùng với yếu tố chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, việc bổ sung thành tố cán bộ vào mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực chất là nhằm xác lập, định vị yếu tố quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng, đó là con người. Điều này cũng phù hợp với một trong 3 đột phá chiến lược đã được dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng nêu ra: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”.

Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”. Do đó, việc quán triệt và thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng về cán bộ cần phải được coi là rường cột trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh hiện nay. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo thực sự trở thành lực lượng tiên phong dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên bổ sung yếu tố cán bộ vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đó là: “Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

ĐÀM THANH (tổng hợp)

Từ khóa: