Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh
(BDO) Nằm ở vị trí phía Bắc tỉnh Bình Dương, TP.Bến Cát được định hướng trở thành trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai. Tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh của mình, đến nay TP.Bến Cát đã có bước chuyển mình, đột phá mạnh mẽ, với diện mạo đô thị năng động, mang dáng dấp của một thành phố hiện đại, văn minh.
Một góc trung tâm đô thị TP.Bến Cát hiện nay
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao... Theo đó, TP.Bến Cát được quy hoạch vào khu vực 2 gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TP.Bến Cát và huyện Bàu Bàng. Đây sẽ là các địa phương phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh.
TP.Bến Cát đang từng bước thực hiện chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới bền vững. Thời gian qua, việc hiện đại hóa hạ tầng, đầu tư phát triển đô thị đã tác động mạnh mẽ để thương mại - dịch vụ phát triển, nhất là những ngành, lĩnh vực có tính đột phá và giá trị gia tăng cao như tài chính - tín dụng, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, logistics… góp phần nâng giá trị thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của thành phố.
Ông Nguyễn Trọng Ân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Bến Cát, khẳng định việc thành lập TP.Bến Cát đã tạo sức hút lớn hơn nữa đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ; thúc đẩy đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trong vùng nội thị kết nối với ngoại thị. Bên cạnh đó, việc Bến Cát lên thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận; góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; góp phần tăng thu ngân sách của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tăng mức đầu tư cho công trình phúc lợi xã hội; bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội.
Đến nay, các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố được thực hiện theo đúng quy hoạch, áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến, kiến trúc hiện đại. Cụ thể, thành phố đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống đường điện ngầm, hệ thống thu gom nước mưa, cống mương thoát nước, hệ thống cáp điện, đường ống cấp nước, cáp thông tin đi trong hào kỹ thuật... tạo ra diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp.
TP.Bến Cát đã và đang nỗ lực hoàn thiện Quy hoạch địa phương đến năm 2040, chương trình phát triển đô thị. Đây là cơ sở để thành phố đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm theo quy định, tiêu chuẩn. Theo đó, thành phố thực hiện ngầm hóa hệ thống cáp điện, viễn thông; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại; nâng cấp, mở rộng, xây mới các nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, trường học… nhằm giải quyết nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, là tác nhân thúc đẩy nâng cao trình độ dân trí của người dân. Thành phố cũng xây dựng các công trình kiến trúc mới, các khu vực sinh thái, công viên cây xanh, góp phần nâng cao mỹ quan đô thị, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái đô thị.
Để tạo sức mạnh “nội tại” vững chắc, TP.Bến Cát đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Trên địa bàn thành phố hiện có 8 khu công nghiệp, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy sản xuất, đầu tư kinh doanh, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Với nhiều dư địa phát triển, TP.Bến Cát đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy thành phố vươn lên trở thành trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
KHẢI ANH