Xây dựng đô thị Bình Dương xanh: Còn nhiều việc phải làm

Thứ năm, ngày 18/02/2016

Bình Dương hiện có 1.638 ha cây xanh đô thị, chỉ mới đạt 13% so với quy định của đô thị loại I. Vì thế, cần sự nỗ lực rất lớn từ các cấp, các ngành và người dân tỉnh nhà để đạt được đô thị xanh đúng nghĩa.


Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh:
XUÂN THI

(BDO) Cây xanh làm nền đô thị xanh

Hiện tại, Việt Nam chưa có đô thị xanh đúng nghĩa, đa số các đô thị được cho là xanh hiện nay đều “tự phong”. Những đô thị xanh này chỉ đơn thuần là nhiều cây xanh chứ chưa đáp ứng được những yêu cầu khác của một đô thị xanh thật sự.

Theo các nhà khoa học trong và ngoài nước, có rất nhiều định nghĩa về đô thị xanh. Tựu trung, đô thị xanh cần đáp ứng những nội dung sau: Thành phố xanh có không khí trong lành, chất lượng nguồn nước cao; thành phố xanh có khí cacbon trung tính và hoàn toàn bền vững; tỷ lệ mắc bệnh liên quan tới môi trường thấp; có nhiều không gian xanh, có chất lượng môi trường xanh bao gồm không khí, nước, đất, chất thải rắn (sạch)…; cân bằng lợi ích phát triển kinh tế - xã hội với môi trường…

Qua đó cũng cho thấy, với việc Bình Dương đang đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa đã đặt ra rất nhiều thách thức đối với mục tiêu đưa tỉnh nhà trở thành đô thị xanh, thành phố đáng sống trong thời gian tới.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thủy, trường Chính trị tỉnh, để Bình Dương phát triển đô thị xanh điều đầu tiên cần quan tâm chính là công tác tuyên truyền. Mục tiêu là nâng cao ý thức người dân về nếp sống đô thị, văn hóa đô thị và ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các thói quen ứng xử trong nếp sống, thói quen xử lý rác thải; lồng ghép các tiêu chí bảo vệ môi trường vào tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, đô thị xanh cần quy hoạch sử dụng đất bền vững, đa dạng chức năng; lựa chọn vị trí các khu chức năng hợp lý vừa bảo tồn cảnh quan tự nhiên, vừa hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Cấu trúc không gian đô thị cần xây dựng theo hướng hỗn hợp, mức độ tập trung cao nhằm giảm khoảng cách đi lại, tăng tính kết nối cộng đồng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng…

Xét về tổng thể đô thị, phát triển nên tập trung thu gọn, tránh tình trạng dàn trải của đô thị góp phần cân bằng và bảo vệ môi trường. Điều quan trọng nữa là, cần ưu tiên phát triển đô thị nén; theo đó tập trung theo chiều cao, dành tối đa diện tích cho không gian xanh, tránh xâm lấn khu vực đất nông nghiệp. Đối với Bình Dương, ngoài những yêu cầu nói trên, cần quan tâm phát triển nhanh diện tích rừng và cây xanh trên bình diện rộng của cả tỉnh.

Cây xanh cho đô thị

Theo các nhà khoa học, cây xanh đô thị không chỉ đơn giản là trồng cây trong các đô thị. Cây xanh đô thị còn hiện hữu trong kiến trúc cảnh quan đô thị đang được các nước xem là một ngành khoa học thật sự với thuật ngữ “Lâm nghiệp đô thị”. Đối với tỉnh nhà, hiện nay, công viên tại các trung tâm đô thị lõi và đô thị vệ tinh trong tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, các thị xã Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát trong hệ thống đô thị của Bình Dương còn ít; tầm ảnh hưởng của các công viên mới khoảng 300m. Như vậy, chỉ những nhà ở khoảng cách đến công viên được hưởng lợi từ không gian xanh và không gian công viên. Do đó, địa phương cần bố trí thêm công viên để mọi người dân được thụ hưởng những lợi ích mà cây xanh, công viên mang lại.

Bên cạnh đó, cảnh quan tạo ra những không gian xanh và thay đổi cảnh sắc theo mùa hiện tại của Bình Dương chưa được chú trọng trong quy hoạch và thiết kế đô thị. Với cây xanh đô thị, bất cứ loại cây nào trồng nhiều đến mức gần như thuần loại có thể tạo ra nét riêng nhưng đôi khi gây ra sự nhàm chán. Ngoài ra, khi trồng cây thuần loại có thể dẫn đến phát sinh bệnh cây đồng loạt. Đây là những đặc điểm cần lưu ý khi thiết kế không gian đô thị Bình Dương. Trong khi đó, cây xanh, cây nông nghiệp, rừng cá nhân, cây xanh trong các khu di tích đền miếu, chùa chiền hiện chưa được đàm phán giữa cơ quan quản lý của Bình Dương và các chủ thể để đưa vào quản trị bảo vệ, bảo tồn một cách có kế hoạch đem lại lợi ích cho cả cộng đồng.

Nghiên cứu của trường Đại học Thủ Dầu Một và trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh cho thấy, cây dầu đang là biểu tượng đặc trưng của đô thị ở Bình Dương. Có nhiều cây thuộc chi dầu: dầu rái, dầu song nàng, dầu lông, dầu trà ben, dầu con quay, dầu đồng… Nếu có ít nhất một khu rừng trồng và bảo tồn tất cả loại dầu từng là cây bản địa tại Bình Dương và bổ sung những loài dầu mới hỗn giao với một số loài khác thì rừng dầu tại Bình Dương có thể tạo ra một cảnh quan ấn tượng cho khách tham quan và cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống cây xanh đô thị vừa có vai trò kiến trúc cảnh quan, vừa có vai trò bảo vệ môi trường. Hệ thống cây xanh của tỉnh nhà đang được trồng và tạo lập sẽ phát triển để đáp ứng nhu cầu về môi trường cảnh quan, đồng thời góp phần bảo đảm chất lượng môi trường sống cho cư dân của tỉnh. Hiện vẫn còn nhiều cây xanh vùng ven, vùng nông thôn và cây xanh hiện hữu của đô thị cần được nghiên cứu một cách khoa học trong quy hoạch kiến trúc. Từ đó, để tạo ra không gian tự nhiên xanh, đẹp hài hòa toàn cảnh hệ thống kiến trúc đô thị; cảnh quan vùng ven, vùng nông thôn của một Bình Dương càng phát triển càng bền vững.

PHÙNG HIẾU