Xây dựng đô thị Bình Dương hướng đến văn minh, hiện đại- Bài 2

Thứ sáu, ngày 26/10/2018

(BDO)  Bài 2: Phát triển nhiều loại hình nhà ở

Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đã biến những vùng đất thuần nông thành những khu, cụm công nghiệp và đô thị có kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những khó khăn, thách thức tác động đến quá trình phát triển của tỉnh đang dần hiện hữu mà trong đó tình trạng gia tăng dân số cơ học đang là áp lực đối với quá trình phát triển đô thị của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở

Xây dựng và phát triển nhiều loại hình nhà ở đa dạng như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà cho người có thu nhập thấp… là một trong những giải pháp được đề cập trong Chương trình đột phá “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân” (Chương trình số 22). Mặt khác, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đạt 30m2/người theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ tỉnh đề ra. Để hiện thức hóa mục tiêu đó, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo lập và phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở bảo đảm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu đa dạng về loại hình nhà ở cho người dân đang học tập, lao động, sinh sống trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện chương trình nâng cấp đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nhanh và bền vững.

Các dự án nhà ở không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn tạo sự hài hòa về không gian đô thị Ảnh: TRÍ DŨNG

Theo Sở Xây dựng, để đạt được chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân 30m2/người thì trong giai đoạn 2016-2020 cần đầu tư xây dựng tăng thêm 5,6 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, 19,64 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ (do người dân tự xây dựng) và 2,71 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện nay về nhà ở thương mại (bao gồm cả nhà ở dành cho người thu nhập thấp) đã chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 2,278 triệu m2 sàn nhà ở, đạt trên 40% so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, nếu tính các dự án lớn vừa được quyết định chủ trương đầu tư các khu nhà ở với diện tích tương đối lớn như khu nhà ở Đại Nam (khoảng 1 triệu m2 sàn nhà ở) thì diện tích sàn nhà đạt khoảng 3,878 triệu m2 sàn nhà ở (đạt khoảng 69% so với kế hoạch). Bên cạnh đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 85 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích 3,9 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex với tổng diện tích 3,1 triệu m2 sàn nhà ở với tổng số 70.000 căn hộ. Ngoài ra còn có khoảng 200 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích khoảng 270.000m2 sàn.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập và phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020 làm cơ sở bảo đảm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu đa dạng về loại hình nhà ở cho người dân đang học tập, lao động, sinh sống trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện chương trình nâng cấp đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nhanh và bền vững…  

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3 triệu m2 sàn nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, tương đương khoảng 180.000 căn, đáp ứng cho 540.000 người là công nhân lao động và sinh viên thuê ở. Loại hình nhà ở này vẫn đang giải quyết một phần lớn về chỗ ở cho công nhân, người lao động làm việc trong tỉnh. “Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2018, diện tích nhà ở bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 27,7m2 sàn/ người. Theo dự kiến của Sở Xây dựng, đến năm 2020 sẽ đạt được chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X là 30m2/ người…”, ông Võ Hoàng Ngân tin tưởng.

Tập trung giải quyết các “điểm nghẽn”

Có thể nói những nỗ lực của tỉnh và các sở ngành liên quan cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển các loại hình nhà ở đã và đang giải quyết những bức xúc về nhu cầu an cư lạc nghiệp cho người dân đang học tập, lao động và sinh sống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở trên địa bàn vẫn còn rất lớn, trong khi đó nhiều dự án vẫn chậm hoặc không triển khai trong thời gian dài gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án, lãng phí nguồn lực đất đai.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các dự án chậm triển khai, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương 4 dự án; nhắc nhở và yêu cầu cam kết triển khai dự án đối với 37 dự án. Mặc dù vậy, đến nay một số dự án vẫn chưa có động thái triển khai. Nguyên nhân của tình trạng trên được nhìn nhận bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư là chính. Đó là năng lực tài chính yếu kém, kinh nghiệm của chủ đầu tư thiếu nên không thể vượt qua những thách thức trên thị trường bất động sản. Việc yếu kém về tài chính bên cạnh những chính sách quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng thay đổi đã dần đến các dự án vướng giải phóng mặt bằng nên chủ đầu tư không thể triển khai theo kế hoạch. Một số dự án hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng nhưng việc quản lý xây dựng chưa chặt chẽ, không bảo đảm phòng cháy chữa cháy, làm ảnh hưởng đến tổng thể mỹ quan của toàn dự án. Một số chủ đầu tư chưa chủ động đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chậm lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thủ tục pháp lý có liên quan tại thời điểm triển khai dự án, do vậy khi tiếp tục thực hiện dự án thì chịu các điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật hiện hành.

Với trách nhiệm của mình, Sở Xây dựng đã có những kiến nghị giải quyết trước mắt cũng như về lâu dài để khơi thông những điểm “nghẽn” trong thực hiện các dự án nhà ở. Theo đó, đối với dự án vướng giải phóng mặt bằng dạng “da beo”, chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tăng nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng hoặc chủ đầu tư sắp xếp, xem xét phương án hoán đổi đất, giảm quy mô, nhanh chóng hoàn chỉnh dự án. Về năng lực tài chính hạn chế, chủ đầu tư xem xét phương án liên kết các đối tác có tiềm lực để tiếp tục dự án. Về phía cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai và xây dựng cũng như chính quyền địa phương cần có cơ chế hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng (đối với các dự án tiến độ giải phóng mặt bằng lớn hơn 80% quy mô dự án), hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý với thời gian nhanh nhất để sớm tiếp tục triển khai dự án, đồng thời thường xuyên có cơ chế thanh, kiểm tra tiến độ triển khai dự án với chủ đầu tư nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Đối với những dự án chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà không hoặc triển khai chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng, ngành chức năng cần kiểm tra và xử lý thu hồi các dự án theo quy định của pháp luật, tránh gây lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân.

Việc phát triển các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh thời gian qua không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn tác động tích cực vào quá trình đô thị hóa nhanh chóng, góp phần bảo đảm sự hài hòa về không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong thời gian tới, cùng với việc kiên quyết xử lý các dự án nhà ở chậm hoặc không triển khai đồng thời triển khai thực hiện các dự án nhà ở đa dạng trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ góp phần xây dựng đô thị Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại. (còn tiếp)

Theo Sở Xây dựng, để đạt được chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân 30m2/người thì trong giai đoạn 2016-2020 cần đầu tư xây dựng tăng thêm 5,6 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, 19,64 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ (do người dân tự xây dựng) và 2,71 triệu m2 sàn nhà ở xã hội… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 85 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích 3,9 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex với tổng diện tích 3,1 triệu m2 sàn nhà ở với tổng số 70.000 căn hộ. Ngoài ra còn có khoảng 200 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích khoảng 270.000m2 sàn…

TRÍ DŨNG

Từ khóa: