Xây dựng cộng đồng an toàn cho trẻ
(BDO) Hiện nay, việc hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng tránh, xử lý tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ còn nhiều hạn chế. Xây dựng mô hình cộng đồng an toàn cho trẻ được xem là chiến lược quan trọng góp phần giảm tỷ suất ca mắc, tử vong do TNTT.
Xây dựng cộng đồng an toàn để giảm tai nạn thương tích cho trẻ. Ảnh: Chăm sóc trẻ tại trường mầm non ở TX.Bến Cát
Bảo đảm tốt 5 tiêu chuẩn
Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 địa phương đang triển khai nhân rộng mô hình cộng đồng an toàn là huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và TP.Dĩ An. Theo đó, để đánh giá các hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống TNTT, các địa phương thực hiện 5 tiêu chuẩn cộng đồng an toàn của Việt Nam. Cụ thể như về tổ chức cần có mạng lưới phòng, chống TNTT, xây dựng cộng đồng an toàn của xã, phường, thôn, ấp bảo đảm sinh hoạt hàng tháng; có kế hoạch thực hiện nhằm giảm thiểu các loại TNTT có nguy cơ cao tại cộng đồng. Đặc biệt, trưởng khu phố, ấp tổ chức sinh hoạt, nhắc nhở các hộ gia định tự đánh giá theo bảng kiểm định để thực hiện tiêu chuẩn gia đình an toàn.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền bảo đảm có cán bộ làm công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; có tranh, khẩu hiệu cổ động phòng chống TNTT tại nơi công cộng và xây dựng các góc truyền thông tại nhà văn hóa của các ấp, khu phố, trạm y tế xã. Với mục tiêu giảm nguy cơ gây TNTT, các địa phương thực hiện cộng đồng an toàn phải kiểm tra thường xuyên và có biện pháp can thiệp trực tiếp vào những địa điểm có thể xảy ra TNTT như phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngộ độc, ngã, tai nạn lao động.
Cụ thể, các địa phương phải giảm 80% nguy cơ chung tại cộng đồng, trên 50% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình an toàn, trên 50% trường học đạt an toàn. Hệ thống giám sát cấp cứu TNTT buộc phải có cán bộ theo dõi, phân tích các TNTT. Trạm Y tế cấp xã có đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết để sơ cấp cứu thông thường và trên 80% trường hợp TNTT được giám sát. Từ 4 tiêu chí trên, địa phương thực hiện đánh giá, tổng kết qua 4 chỉ tiêu: Giảm 10% các vụ TNTT so với năm trước; có bảng, biểu đồ đánh giá theo các chỉ tiêu; hàng quý, 6 tháng hoặc hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá và đăng ký đề nghị công nhận ở các tuyến và xây dựng kế hoạch đăng ký công nhận cộng đồng an toàn.
Chiến lược quan trọng
Xây dựng cộng đồng an toàn được coi là chiến lược quan trọng trong phòng, chống TNTT trẻ em. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ thường không xác định được mức độ nguy hiểm của môi trường, hoàn cảnh và các trò chơi do kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống của trẻ còn hạn chế. Khả năng tổng hợp, suy luận, liên hệ, tập trung chú ý của trẻ cũng chưa phát triển nên khi rơi vào hoàn cảnh, môi trường có nguy cơ bị TNTT, dễ gặp nguy hiểm. Do trẻ chưa phát triển khả năng phán đoán và đưa ra những quyết định kịp thời nên thường rơi vào những tai nạn thương tâm. Một thực tế rất phổ biến ở các địa phương là do thiếu sân chơi nên trẻ thường vui đùa gần đường giao thông, gần ao hồ, sông suối, trạm điện, cánh đồng..., là những nơi tiềm ẩn những nguy cơ gây TNTT. Gia đình, nhà trường, cộng đồng hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng tránh hoặc xử lý các TNTT cho trẻ còn hạn chế.
Mô hình cộng đồng an toàn được xây dựng dựa trên kết quả xây dựng gia đình an toàn, trường học an toàn để mọi người dân chủ động kiểm soát, đưa ra các giải pháp dự phòng. Địa phương tổ chức hệ thống mạng lưới tình nguyện viên cùng với nhân viên y tế giám sát, ghi chép và thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu. Kết quả tổng kết chung cho thấy, tỷ suất tử vong do TNTT ở các xã tham gia thực hiện đã giảm 50% so với trước khi thực hiện; gần 90% người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống TNTT.
Từ kết quả thực tế triển khai mô hình cộng đồng an toàn trong thời gian qua, Bộ Y tế khẳng định đây là hướng tiếp cận có khả năng huy động người dân phòng, chống TNTT ở mức cao, mang lại hiệu quả lâu dài. Mô hình sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong do TNTT gây ra.
HOÀNG LINH - VĂN QUYỀN