Xây dựng chuỗi cung ứng, vươn ra thị trường toàn cầu

Thứ ba, ngày 27/09/2022

(BDO) Củng cố niềm tin

Hiện nay, cả Chính phủ của Ấn Độ và Việt Nam đều chú trọng vào lĩnh vực sản xuất với cam kết tăng trưởng xuất khẩu. Làm thế nào để mang lại cho hoạt động xuất khẩu sự quan tâm và giám sát xứng đáng. Làm thế nào để giúp doanh nhân kết hợp tăng trưởng sản xuất với tăng trưởng xuất khẩu là vấn đề lớn đặt ra. Để hợp tác thương mại đi đến thành công, ông Murthy RNuni, Quản lý Marshal Funds, Vương quốc Anh, cho rằng các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đang tìm cách đưa các sản phẩm điện và điện tử ra thị trường toàn cầu phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý việc tuân thủ các quy định kỹ thuật. Trong trường hợp không có các tiêu chuẩn và yêu cầu hài hòa cũng như các tiêu chuẩn quốc gia khác nhau, các nhà sản xuất cần phải biết các quy định từng quốc gia hoặc khu vực mà họ muốn tiếp cận.

Các chuyên gia nỗ lực tìm ra giải pháp phát triển tại phiên đối thoại “Quản lý chuỗi cung ứng hiện là ưu tiên hàng đầu”

Theo ông Mauro De Rita, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Industrie Saleri Italo, Italia, trong giai đoạn mới khách hàng toàn cầu muốn có được hàng hóa tiêu chuẩn châu Âu. Các DN có thể xây dựng chất lượng sản phẩm tốt hơn, tạo dựng niềm tin cho thị trường. Muốn tìm đối tác thì phải gặp gỡ và xây dựng niềm tin. “Với tư cách là nhà đầu tư, tôi cho rằng công tác xác lập niềm tin rất quan trọng. Tiếp đó điều chúng ta cần làm là quản lý rủi ro trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Trên cơ sở xem xét cấu trúc toàn cầu, tìm ra những mắt xích, từ đó lên kế hoạch, nghiên cứu, đưa ra quyết định sản xuất. Thêm một điều rất cần thiết cho việc hợp tác là các bên phải có nhiệm vụ vun đắp mối quan hệ này, xây dựng quan hệ hết sức bền vững từ tài chính, quan hệ với địa phương, tạo ra những mối quan hệ tin cậy nhất”, ông Mauro De Rita nhấn mạnh.

Ông Mauro De Rita cho rằng các DN không nên mang tâm thế e ngại, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ bởi sẽ học được rất nhiều từ thách thức và sai lầm. Khi mở ra hoạt động kinh doanh phải nhìn vào thị trường và chuẩn bị cho các phương thức tiếp cận. Bên cạnh đó, phải đổi mới sáng tạo, liên tục phát triển, tạo ra các sản phẩm có giá trị để tiếp cận thị trường toàn cầu. Việc đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền tảng có được từ các quốc gia toàn cầu, cần có sự kế thừa và sáng tạo dựa trên nhu cầu khách hàng.

Thiết lập chuỗi cung ứng

Ông Robinder Sachdev, Chủ tịch Viện Imagindia, Ấn Độ, cho rằng từ chính sách của Chính phủ, từng địa phương tại Việt Nam cần tìm ra cách thức để phát triển chuỗi cung ứng dựa trên tạo lập niềm tin, đưa ra phương án, cách thức hợp tác. Từ đó trao đổi nhu cầu, trao đổi kiến thức, đổi mới sáng tạo phát triển chuỗi cung ứng… nâng tầm hợp tác lên tầm cao mới.

Theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTCBD), diễn giả tại diễn đàn hợp tác thương mại, với vai trò cầu nối hỗ trợ cho các DN Bình Dương, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, WTCBD luôn nhận được câu hỏi về các vấn đề liên quan đến nhà xưởng, năng lực sản xuất của các DN tại Việt Nam và Bình Dương. Qua xác minh của WTCBD cũng là một bước tạo lập niềm tin với đối tác.

Tại phiên đối thoại “Quản lý chuỗi cung ứng hiện là ưu tiên hàng đầu”, ông Siddharth Poddar, Biên tập viên quản lý Unravel, Singapore, cho rằng chuỗi cung ứng đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của kinh doanh hiện đại, đang phát triển và mở rộng. Các DN của Ấn Độ và Việt Nam cần nhìn nhận tầm quan trọng chuyển đổi số, giảm chi phí quản lý, tư duy chăm sóc khách hàng hướng đến mục tiêu cung ứng hàng hóa được tốt hơn để phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, cho rằng đối với Bình Dương để tăng giá trị hàng hóa trong chuỗi cung ứng cần cải thiện về vấn đề logistics trên cả chiều đi đối với hàng hóa xuất khẩu và chiều nhập khẩu hàng hóa. Điều cần làm hiện nay là hiện đại hóa hạ tầng logistics, đầu tư công nghệ vào quản lý logistics. Việc hợp tác với các DN Ấn Độ phát triển chuỗi cung ứng cũng phải dựa trên nền tảng giảm thiểu chi phí logistics, như đúng mong muốn của hai Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ, của các DN hai nước trước những cơ hội mới. 

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương: Việt Nam có vai trò rất lớn trong chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu, có thế mạnh về các sản phẩm nông thủy sản, trái cây, trà, cà phê… Đây có thể là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại nông thủy sản.

TIỂU MY