Xây dựng chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

Thứ sáu, ngày 19/05/2023

(BDO)

Quang cảnh hội thảo.

Sáng 19/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.”

Phát biểu khai mạc đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng.

Hội thảo càng ý nghĩa khi được tổ chức đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương ngời sáng, mẫu mực về đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam học tập, làm theo.

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, một trong mười nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thầm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh,” là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân giao phó.

Với ý nghĩa quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức, Đảng xác định xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, thực tiễn cho thấy khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm dẫn đến “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa.”

Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định mới để đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó tập trung phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với phương châm cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu.

Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Đảng đã có những chủ trương, quyết sách rất quan trọng cùng với các biện pháp xử lý nghiêm khắc, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa” trong nội bộ.

“Có thể nói, đây là những bước phát triển rất mới về nhận thức, tư duy, lý luận và hành động của Đảng trong xây dựng, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong và lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên,” ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Hội thảo đã nghe 16 ý kiến tham luận, thể hiện tâm huyết, tinh thần khoa học và trách nhiệm cao của các đại biểu, nhà khoa học.

Các tham luận đã bám sát, tập trung phân tích và làm nổi bật chủ đề hội thảo; khẳng định xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn trong hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Việc xác định các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là cơ sở quan trọng để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện; là căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời là yêu cầu có tính tất yếu trong bảo vệ, phát triển Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các tham luận cũng đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Một số tham luận phân tích, luận giải, làm rõ từng chuẩn mực đạo đức cách mạng.

Nhiều đại biểu, nhà khoa học nhấn mạnh, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới phải được xây dựng trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người cộng sản, người cách mạng; có sự kế thừa những chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và được sàng lọc, kiểm chứng, còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay; đồng thời có sự tiếp thu, bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn mới.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao các ý kiến phát biểu, các bài tham luận và khái quát nội dung cơ bản của chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới gồm các thành tố như tận trung với Đảng, tận hiếu với dân; bản lĩnh, kiên định, sáng tạo, tự cường; tận tụy với việc, nhân nghĩa với người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tự trọng, danh dự, đoàn kết, kỷ cương; trách nhiệm, nêu gương, tự soi, tự sửa; tu dưỡng, học tập, phấn đấu suốt đời;...

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và các nhà khoa học để thống nhất các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, bảo đảm tính cách mạng, khoa học, phổ quát, toàn diện, cụ thể, ngắn gọn, dễ học tập, làm theo, dễ kiểm tra, giám sát, trên sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định./.

Theo TTXVN