Xây dựng chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp
(BDO) Xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế thời đại công nghiệp 4.0. Bình Dương phát triển chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Lãnh đạo tỉnh khảo sát các hệ thống cập nhật văn bản phục vụ người dân, doanh nghiệp
Hành động
Trong nhiều năm qua, Bình Dương đã quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng xây dựng chính quyền số. Cụ thể, năm 2021, tỉnh đã ban hành kế hoạch chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; quyết định ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, phiên bản 2.0. Các hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, Bình Dương đã có nhiều kết quả trong xây dựng chính quyền điện tử trong cơ quan Nhà nước. Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư khá đầy đủ. Tỉnh xây dựng được các trung tâm dữ liệu cho chính quyền điện tử và hạ tầng truyền dẫn của mạng TSLCD phủ đến cấp xã từ năm 2015; 100% cơ quan tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ. Trung tâm Dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp, tạo nền tảng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cho các cơ quan Nhà nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã phủ đến cấp xã, với hơn 184 điểm kết nối. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại, thường xuyên cập nhật, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư công vụ cho công việc. Hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư đồng bộ từ tỉnh đến tất cả các điểm cầu cấp huyện, cấp xã.
Những giải pháp
Mục đích cuối cùng của việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở Bình Dương là hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ định hướng chung này, các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã tích cực xây dựng bộ máy chính quyền vì nhân dân phục vụ. Trong đó, cơ sở vật chất là bộ mặt phục vụ nhân dân, cán bộ “một cửa” là nền tảng. Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất cần phải giải quyết chính là nguồn nhân sự, bộ máy chuyên trách tại cơ sở, phải bắt đầu xây dựng ngay từ cấp cơ sở. Dữ liệu chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong việc triển khai các nhiệm vụ lớn của tỉnh và tiến tới chính quyền số.
Cán bộ một cửa cấp tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Để hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trước năm 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Đó là xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước. Chìa khóa quyết định chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng. Phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng TSLCD, mạng internet, Trung tâm Dữ liệu của tỉnh; kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan Nhà nước một cách hiệu quả. Cùng với đó là các giải pháp đưa vào vận hành chính thức các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của cơ quan Nhà nước; áp dụng các công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…
Cùng với đó là kịp thời cập nhật, công khai thủ tục hành chính dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu và thực hiện; vận hành và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Trang dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước có sự phát triển vượt bậc, được triển khai đồng bộ ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Qua công tác phối hợp, rà soát tái cấu trúc, đến thời điểm hiện tại có 1.662 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cấp tỉnh có 136 dịch vụ công mức độ 3 và 1.149 dịch vụ công mức độ 4 (đạt 86,8%). Cấp huyện có 253 dịch vụ công mức độ 4. Cấp xã có 124 dịch vụ công mức độ 4. Năm 2022, Bình Dương sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia…” Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông |
HỒ VĂN