Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số - nhiều đề xuất hay
(BDO) Tạo dựng cơ chế thông thoáng
Trọng tâm công tác CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 là tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, để thực hiện tốt mục tiêu này, tại hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, cho rằng Bình Dương cần chủ động, tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; kiểm soát việc ban hành thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa TTHC. Chính quyền địa phương cần xây dựng thể chế trong phạm vi thẩm quyền phù hợp.
Bình Dương quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” phường Hưng Định, TP.Thuận An hướng dẫn người dân chuyển đổi số trong CCHC
Trường hợp gặp những vấn đề không thuộc thẩm quyền, chính quyền địa phương kiên trì kiến nghị để Trung ương hoàn thiện thể chế… Đồng thời, tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm TTHC phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai “hiến kế”, Bình Dương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tập trung giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; số hóa kết quả giải quyết TTHC để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, trọng tâm là TTHC thuộc các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, đầu tư, bảo hiểm xã hội và TTHC thuộc các lĩnh vực khác có số lượng, tần suất giao dịch lớn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp
Một trong những nội dung được nhiều nhà khoa học quan tâm và đề xuất trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đó là Bình Dương cần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Bình Dương cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của CCHC theo hướng xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chính quyền liêm chính, kiến tạo, hiệu lực, phục vụ nhân dân. Theo đó, đội ngũ phải vừa đáp ứng điều kiện chung đối với nhân sự khu vực công, vừa phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù của địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai mạnh dạn đề xuất, Bình Dương cần xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Công chức phải là những người chuyên nghiệp, tận tụy trong thực thi công vụ, thực hành phương châm “liên tục thích ứng; học tập trọn đời”, thích ứng với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ xã hội, thích ứng với bối cảnh thay đổi và học tập để bắt kịp sự phát triển công nghệ, làm chủ công nghệ nhằm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, các chuyên gia đề nghị Bình Dương cần xác định và thực hiện gắn kết việc cải thiện các chỉ số PAPI, PCI với PAR Index, SIPAS, DTI, Vietnam ICT Index. Bởi lẽ, các chỉ số này đo lường kết quả trên nhiều khía cạnh, giữa các bộ chỉ số có mối liên quan lẫn nhau và đều trực tiếp hoặc gián tiếp phản ảnh hiệu quả của CCHC; đồng thời chú trọng kết nối với các địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thành chuỗi giá trị tương tác nhằm cải thiện các chỉ số đánh giá. Bên cạnh đó, có thể đặt mục tiêu cụ thể về điểm số và nâng cao thứ hạng các chỉ số của tỉnh, chẳng hạn: PCI, PAR Index, ICT Index xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, Bình Dương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp bảo đảm năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của Bình Dương.
Xuất phát từ quan điểm chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, địa phương cần dựa trên năng lực, có kế hoạch phát huy lợi thế, thế mạnh của từng tổ chức trong hệ thống chính trị để cả hệ thống chính trị thực sự là “động lực” của chuyển đổi số; đồng thời cần sớm triển khai chương trình phát triển công dân số để thích ứng và thụ hưởng các thành tựu của chính quyền số. Cùng với đó, cần tiếp cận, vận dụng phù hợp những bài học kinh nghiệm về thành công trong CCHC Nhà nước đã được Chính phủ, các địa phương có kết quả CCHC tốt rút ra, nhất là bài học về phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng và bài học xác định đúng yếu tố mang tính quyết định thành bại là yếu tố con người được Chính phủ và nhiều địa phương nhấn mạnh…
HỒ VĂN