Xây dựng các tiêu chí văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa cho nông thôn mới: Vẫn chậm!
(BDO) Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực “về đích” sớm. Tuy nhiên, với các tiêu chí giao thông, y tế và giáo dục có sự phát triển rõ nét thì tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (CSVCVH) và tiêu chí văn hóa (VH) vẫn còn chậm.
Xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Trong quá trình thực hiện, xã gặp không ít khó khăn với tiêu chí xây dựng CSVCVH. Nguyên nhân, xã có nhiều ấp (12 ấp), khi mới thực hiện chương trình 3 ấp đã xây dựng văn phòng kiên cố, những ấp còn lại thì phải sử dụng văn phòng tạm. Để xây dựng 9 văn phòng ấp còn lại, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Qua gần 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Long Nguyên đã đầu tư khoảng 9 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa văn phòng các ấp. Nhờ vậy, đến nay 12/12 ấp trong xã đã có văn phòng ấp, mỗi văn phòng rộng từ 100 - 200m2.
Để hoàn thành tiêu chí CSVCVH, xã Long Nguyên đã đầu tư xây dựng nhiều văn phòng ấp. Trong ảnh: Văn phòng ấp Long Bình vừa được xây dựng khang trang. Ảnh: T.TÂM
Ông Võ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã quy hoạch địa điểm xây dựng từ năm 2012 nhưng nguồn vốn phải “tự túc” bằng nội lực. Cùng một lúc đầu tư nhiều lĩnh vực, nguồn kinh phí quá sức của địa phương, vấn đề vận động xã hội hóa cũng trở nên khó khăn. Ðặc biệt, nội lực trong dân cũng có giới hạn nhất định. Do đó, xã đã tận dụng trường học cũ, sửa chữa lại để có được trung tâm VH xã khang trang; các ấp vận động tiền, sức dân chung tay cùng làm.
Đồng cảnh với xã Long Nguyên, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng cũng đang gặp trở ngại trong việc hoàn thành bộ tiêu chí NTM. Hiện nay, xã đã đạt 10/19 tiêu chí NTM. Ông Nguyễn Lý Hồng Vũ, Chủ tịch UBND xã Lai Hưng, trăn trở đối với tiêu chí CSVCVH, bởi khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí xây dựng. Hầu như trên địa bàn xã, nhà VH ấp, văn phòng ban điều hành ấp chủ yếu “tạm bợ”.
Ngoài tiêu chí CSVCVH, tiêu chí VH cũng được các xã đánh giá là khó thực hiện. Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, tiêu chí VH, xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng VH theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Để đạt ấp VH cần có các điều kiện, xây dựng gia đình, dòng họ thực hiện nếp sống VH; xây dựng môi trường VH sạch đẹp… Với quy định trên, nhiều địa phương phải “dở khóc dở cười” khi các ấp có trường hợp vi phạm, rớt danh hiệu ấp VH. Để hoàn thành tiêu chí VH, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng đã nỗ lực đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống VH, nếp sống văn minh, đẩy lùi hủ tục, tệ nạn xã hội; xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VH, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt VH tinh thần cho nhân dân.
Trong khi nguồn vốn khó khăn, một số địa phương vẫn phải “gồng mình” cố gắng xây dựng các trung tâm VH xã với nguồn kinh phí hàng tỷ đồng. Thế nhưng, trên thực tế không mấy trung tâm phát huy hiệu quả. Tất cả đang nằm trong tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, chỉ xây dựng rồi để đó chứ chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng. Theo ông Nguyễn Lý Hồng Vũ, Chủ tịch UBND xã Lai Hưng, đối với việc xây dựng trung tâm VH, văn phòng ấp, nhà VH ấp, tỉnh nên xem xét quy định diện tích trụ sở chỉ nên vừa đủ để người dân sinh hoạt, không cần cầu kỳ, quá rộng trong khi nguồn huy động vốn trong dân eo hẹp. Bên cạnh đó, việc xét các tiêu chí nên dựa vào điều kiện địa phương để tăng, giảm cho đúng với bộ tiêu chí đưa ra. Được như vậy, những xã vùng xa mới có đủ điều kiện khoác trên mình “chiếc áo” NTM.
T.TÂM