Xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm kết nối vùng
(BDO) Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh), đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, trở thành trung tâm kết nối vùng...
Hợp tác phát triển
Để nâng cao vai trò, vị thế của mình, theo Quy hoạch tỉnh, Bình Dương tiếp tục phối hợp với các địa phương vùng Đông Nam bộ phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, cụ thể phát triển các tuyến đường sắt, đường cao tốc, đường sông liên vùng; phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử, các không gian sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, tạo nên các không gian dịch vụ sinh thái chất lượng cao cho toàn vùng. Bên cạnh đó, Bình Dương giữ phát huy vai trò đầu mối logistics phía Bắc vùng TP.Hồ Chí Minh, tạo kết nối mạnh mẽ khu vực Tây nguyên, cửa khẩu hàng hải quốc tế Cái Mép - Thị Vải, 2 nước Lào, Campuchia.
Bình Dương cũng hợp tác với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai phát triển nâng cao năng lực vận tải đường thủy trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, kết nối ra cảng Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ, phát huy mạng lưới đường sông của khu vực, tạo thêm các không gian phát triển cho vùng.
Cầu Bạch Đằng kết nối giữa Bình Dương và Đồng Nai vừa khánh thành, đưa vào sử dụng
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bình Dương đã đề ra các cơ chế, chính sách và định hướng đột phá. Cụ thể, Bình Dương tập trung xây dựng các tuyến đường cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị, tuyến metro kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, các tuyến giao thông liên tỉnh; mở rộng hệ thống logistics…
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông
Để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bảo đảm đồng bộ, liên kết, quy mô, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn, phát triển hạ tầng giao thông thành trung tâm kết nối vùng, Quy hoạch tỉnh đề ra các phương án đó là: Về đường bộ, Bình Dương phát triển các tuyến giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 56B, Quốc lộ 13B, Quốc lộ 13C. Đây là những tuyến đường bộ quan trọng để mở rộng không gian phát triển ra toàn vùng. Song song đó, Bình Dương phát triển hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh, theo đó hướng Bình Dương - TP.Hồ Chí Minh gồm Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K, các đường ĐT741, ĐT743B, ĐT745, ĐT746, đường ven sông Sài Gòn; hướng Bình Dương - Đồng Nai gồm đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1K; hướng Bình Dương - Bình Phước gồm cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư, Quốc lộ 13, Quốc lộ 13B, Quốc lộ 13C; hướng Bình Dương - Tây Ninh gồm cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường Hồ Chí Minh…
QUY HOẠCH TỈNH CŨNG ĐƯA RA PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG CẤP TỈNH. THEO ĐÓ, ĐẾN NĂM 2030 BÌNH DƯƠNG CÓ 43 TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH, GỒM 16 TUYẾN HIỆN HỮU VÀ 27 TUYẾN BỔ SUNG MỚI. |
Về đường sắt, Bình Dương nâng cấp, mở rộng dịch vụ logistics, kết nối với cảng biển, mạng lưới đường sắt quốc gia, kết nối quốc tế. Mạng lưới giao thông đường sắt sẽ giúp tăng lưu lượng vận tải hàng hóa, giảm tải giao thông đường bộ hiện đang quá tải, bảo đảm theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bình Dương nghiên cứu xây dựng bổ sung dự án đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối khu vực Tây nguyên với tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh. Đây sẽ là tuyến hành lang mới, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển phía Bắc vùng Đông Nam bộ, đồng thời kết nối với các hành lang kinh tế quan trọng của vùng, là cửa ngõ quốc tế quan trọng của vùng và cả nước.
Đối với đường sắt đô thị, Bình Dương nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến, gồm: Tuyến số 1 từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên; tuyến số 1B từ Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) qua ga An Bình đến ngã tư Gò Dưa; tuyến số 2 từ TP.Thủ Dầu Một đến ngã tư Bình Phước (TP.Hồ Chí Minh)… Các tuyến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải, di chuyển của người dân, doanh nghiệp từ TP.Hồ Chí Minh đến Bình Dương và các tỉnh và ngược lại.
Ngoài các tuyến giao thông Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh (đoạn từ Chơn Thành - Bến Lức (Long An) qua địa bàn Bình Dương 32km đang được đầu tư), Bình Dương đã bổ sung vào Quy hoạch vùng đường Vành đai 5 TP.Hồ Chí Minh kết nối các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, khu vực Tây nguyên...
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG