Xanh thêm tình hữu nghị Việt – Lào
5 năm bén rễ, cây cao su tại Lào do doanh nghiệp (DN) Bình Dương đầu tư trên đất bạn theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt - Lào đang phát triển tốt. Với chính sách ưu tiên hàng đầu cho nông dân Lào, bước đầu cuộc sống của người nông dân vùng dự án cao su đã được nâng lên rõ rệt nên người dân rất đồng tình và ủng hộ để dự án triển khai thuận lợi. Cây cao su tại Lào xanh tốt tràn đầy sức sống (Ảnh do công ty cung cấp)
Kết quả ấn tượng
Thực hiện chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào về việc phát triển cao su tại Lào, từ giữa năm 2007 đến nay Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Việt - Lào (là DN góp vốn của các công ty ở Bình Dương như Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương) đã triển khai dự án trồng 10.000 ha cây cao su tại tỉnh Chămpasắc, phía Nam Lào. Nhờ sự tin cậy của người dân Lào và trách nhiệm cao của cả hai bên nên nhìn chung, quá trình thực hiện dự án khá thuận lợi. Đến nay, dự án có ý nghĩa tốt đẹp này đang chuẩn bị thu hoạch dòng mủ trắng đầu tiên vào tháng 9 tới đây.
Theo Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Việt - Lào, sau gần 5 năm triển khai dự án, đến nay công ty đã trồng trên 6.500 ha cao su. Trong thời kỳ đầu trồng mới, mặc dù cao su chưa khai thác nhưng từ nguồn tiền lương cũng đã đem đến cho cho người nông dân Lào cuộc sống tốt đẹp, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của họ. Công ty đã tạo điều kiện cho người lao động bằng cách giao khoán việc, kích thích sức lao động để họ hăng say làm việc. Do vậy người nông dân rất tích cực làm việc, góp phần làm cho đời sống ngày càng khâm khá và ổn định thấy rõ. Những lao động siêng năng còn trồng xen được nhiều loại hoa màu trong vườn cao su giai đoạn đầu vốn rất trống trải, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình của một bộ phận lao động tham gia dự án.
Ông Trần Văn Du, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết để hoàn tất dự án trồng mới 10.000 ha cây cao su vào cuối năm 2013, công ty đã đưa ra biện pháp 4+1 để thỏa thuận với nông dân và đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Cụ thể, nông dân góp đất; công ty góp vốn, kỹ thuật, đầu ra và con người. Chính biện pháp 4+1 này đã được nông dân, cán bộ các bản làng trong vùng dự án quan tâm và rất ủng hộ. Bên cạnh đó, trong quá trình trồng cao su, công ty cũng luôn động viên và giải thích với nông dân rằng đối với việc trồng cao su, kết quả kinh tế sẽ không đến nhanh chóng nhưng có tính bền vững và lâu dài. Việc thu hoạch lượng mủ cao su hàng năm sẽ tăng lên, chắc chắn cuộc sống của người nông dân Lào trong vùng dự án sẽ khá hơn và có cuộc sống ổn định hơn là điều tất yếu trong tương lai. Trong thời gian đầu, người dân cần trồng xen hoa màu như lúa, đậu, bắp vào vườn cây để tận dụng đất và tăng thu nhập. Do vậy, nông dân hiểu và ủng hộ hết mình vì ý nghĩa tốt đẹp của dự án là nhằm cải thiện thu nhập cho người dân tại chỗ là mục tiêu đầu tiên.
Đơm hoa, kết trái...
Ông Trần Văn Du phấn khởi cho biết, theo kế hoạch thì đến tháng 9 này, công ty sẽ mở miệng cạo đầu tiên 700 ha cao su được trồng từ năm 2007. Tiếp đó, để chế biến tại chỗ nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, sắp tới công ty sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho lao động là nông dân Lào. Đến năm 2013, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 22.000 tấn/năm tại huyện Bachiêng, tỉnh Chămpasắc. Việc xây dựng nhà máy tiếp tục mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như thu nhập cho người dân Lào. Cán bộ Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Việt - Lào hướng dẫn kỹ thuật cho người dân Lào (Ảnh do công ty cung cấp)
Nhìn nhận về việc trồng cao su của DN Bình Dương tại Lào, trong lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Sỏn Xay - Si Phăn Đon, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Chămpasắc, đánh giá cao dự án và cho biết việc trồng cây cao su tại địa bàn tỉnh Chămpasắc đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và từng bước chấm dứt tình trạng du canh du cư của người dân; góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh này đã đặt ra. Dự án trồng cao su tại Lào bước đầu đã mang lại hiệu quả là giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động là nông dân. Ông Sỏn Xay - Si Phăn Đon cũng cho rằng, từ lúc triển khai dự án trồng cao su đến nay cuộc sống của nhiều người dân Lào trong vùng dự án đã khấm khá hơn. Một thành công nữa của dự án trồng cây cao su tại Lào là tạo cho nông dân Lào phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn trong nông nghiệp. Điều này được Chính phủ Lào, lãnh đạo các tỉnh của Lào khẳng định.
Có thể nói, với sự quan tâm và ưu tiên cho người dân địa phương vào làm việc trong dự án cũng như chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương, bảo đảm chế độ chính sách cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống... Tính đến nay, dự án trồng 10.000 ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Việt - Lào trên đất bạn đang phát triển rất tốt. Dự án này không những đem lại hiệu quả kinh tế cho nước bạn Lào, cho nông dân Lào mà còn góp phần giao lưu, trao đổi văn hóa, thúc đẩy và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc anh em Việt Nam - Lào.
H.LAN - H.ÂN