Xanh hóa sản xuất, thích ứng với xu hướng mới
(BDO) Đầu tư phát triển hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế mà còn mở ra cho doanh nghiệp (DN) những cơ hội “vàng”.
Công ty Tetra Pak xây dựng môi trường sản xuất xanh, bền vững
Đóng góp thiết thực
Thời gian qua, tại Bình Dương, nhiều DN không những bảo đảm tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, mà còn trở thành biểu tượng trong việc hỗ trợ cải thiện chất lượng môi trường sống cho cộng đồng. Ông Markus Pfanner, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững, Công ty Tetra Pak (Nhà máy tại KCN VSIP 2), cho biết trong giữa tháng 12 vừa qua, công ty đã được Tổ chức phi lợi nhuận Quốc tế về môi trường (CDP) xếp hạng A - thứ hạng cao nhất cho hai trong số ba hạng mục môi trường, ghi nhận Tetra Pak là DN tiên phong về phát triển bền vững. Tetra Pak cũng là công ty duy nhất trong ngành đóng gói bao bì 5 năm liên tiếp có mặt trong nhóm các thương hiệu hàng đầu của CDP và được xếp hạng A cho cả hai hạng mục chống biến đổi khí hậu và bảo vệ rừng năm 2020. Bằng những hoạt động đáng chú ý nhằm ngăn chặn nguy cơ biến đổi khí hậu và khai thác rừng bừa bãi, công ty đang dẫn đầu về mục tiêu, hành động và sự minh bạch trên toàn cầu về bảo vệ môi trường.
Ông Markus Pfanner, nhận định: “Sự minh bạch trong công khai thông tin là cốt lõi giúp chúng tôi đo lường hiệu quả và cải thiện những hành động bền vững của công ty. Việc trở thành công ty đầu tiên trong ngành đóng gói bao bì được CDP công nhận là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của chúng tôi trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính, đáp ứng những mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu cũng như các hành động bảo vệ và cải thiện đa dạng sinh học, thúc đẩy việc thu mua nguyên vật liệu thô có trách nghiệm”.
Theo ông Markus Pfanner, đó là một trong những bước đi quan trọng đối với Tetra Pak trên hành trình phát triển bao bì thực phẩm bền vững tối ưu nhất, có nguồn gốc hoàn toàn từ những nguyên liệu có thể tái tạo và tái chế. Bao bì đóng gói thực phẩm bền vững tối ưu sẽ rất tiện lợi và an toàn, cho phép bảo vệ thực phẩm tốt hơn. “Xây dựng một tương lai cho ngành bao bì thực phẩm không hề dễ dàng và thành công sẽ không thể đến sau một đêm. Vinh dự được CDP công nhận là DN tiên phong trong phát triển bền vững, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững cam kết thực hiện mục tiêu này”, ông Markus Pfanner cho biết.
Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, sản xuất xanh còn giúp DN đạt được các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Đây còn là những những tấm vé thông hành để DN liên kết với các nước, tổ chức trong khu vực và trên thế giới. Thời gian qua, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cùng với nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Biwase còn được giao nhiệm vụ thoát nước đô thị, xử lý môi trường. Những năm qua, Biwase không chỉ phát triển kinh doanh, phát triển DN xứng tầm với kỳ vọng của lãnh đạo địa phương mà còn liên tục có nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Ngoài ra, với kiến thức hiện có, Biwase sẵn sàng hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải và đào tạo, huấn luyện con người vận hành hiệu quả công nghệ, thiết bị mới về môi trường cho các địa phương trong cả nước.
Đón cơ hội “vàng”
Hiện nay, Bình Dương đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu muốn đón đầu cơ hội “vàng” trở thành đối tác của các công ty, tập đoàn đa quốc gia, ngay từ bây giờ phải đầu tư phát triển theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu của đối tác và tự tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Phó Giám đốc Công ty giày Đông Hưng, trong ngành giày da, nhiều DN quốc tế khi lựa chọn nhà cung cấp đều chú trọng tiêu chí bền vững. Chẳng hạn như Nike, họ đánh giá các nhà máy gia công trên 4 tiêu chí chất lượng, đơn hàng, thời gian giao hàng và sản xuất bền vững. Các tiêu chí này có tầm quan trọng ngang nhau. Hay đối tác lớn nhất của DN dệt may, da giày Việt Nam là Adidas áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về chỉ số xanh, quy định mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch, khí thải CO2. Trước tiêu chí này, sản xuất xanh là một yêu cầu bắt buộc đối với các DN là nhà cung cấp của họ.
Theo thượng tá Nguyễn Thành Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Cảng Sóng Thần, nếu muốn đón đầu cơ hội trở thành đối tác của các công ty, tập đoàn quốc tế, các DN phát triển logistics hoặc cung ứng cần chú trọng phát triển sản xuất xanh ngay từ bây giờ. Tại Công ty Tân Cảng Sóng Thần, bên cạnh tối ưu hóa các quy trình, DN này đã và đang đầu tư hệ thống điện mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận từ ánh nắng, phục vụ cho hoạt động sản xuất. Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, DN có thể tiết kiệm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Chi phí vận hành giảm sẽ cho phép DN hạ giá thành sản phẩm để tăng lợi thế cạnh tranh hoặc sử dụng để tối ưu hóa nguồn vốn, tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, nhảy vọt.
TIỂU MY