Xanh hóa sản xuất để nắm bắt cơ hội thị trường châu Âu

Thứ sáu, ngày 21/10/2022

(BDO)

Nhà máy của Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến nâng công suất tái chế lên 17.000 tấn/năm sau khi nâng cấp

Chú trọng tăng trưởng xanh

Sau hơn 2 năm thực thị Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), bất chấp bối cảnh kinh tế, giao thương và chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch và các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, các DN có nhiều điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại châu Âu.

Đáng chú ý, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương sang hầu hết các thị trường châu Âu đều ghi nhận sự tăng trưởng và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào châu Âu cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các DN Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh. Để thuận lợi bước chân vào các thị trường “khó tính” như châu Âu và có thể hưởng thuế suất ưu đãi, ngoài việc bảo đảm yếu tố chất lượng sản phẩm, DN phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải… Trước vấn đề đó, nhiều DN đã đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, hiện các DN xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ tập trung vào thị trường lớn như Hà Lan, Đức, Pháp, Ý… còn những thị trường còn lại thị phần rất nhỏ. Do đó, DN cần đa dạng hóa sang các thị trường còn lại của khối để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Cũng theo ông Linh, châu Âu là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Do đó, các DN, địa phương cần thay đổi để có thể tiếp cận thị trường.

Dẫn dắt tăng trưởng

Ngành công thương cũng nhấn mạnh với lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA, Bình Dương sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác châu Âu để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả vấn đề sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất. Điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của châu Âu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh bền vững, cùng có lợi với châu Âu.

Trên thực tế, các tập đoàn lớn châu Âu khi vào thị trường Bình Dương cũng nỗ lực lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, để đưa hàng hóa “xanh” đến với toàn cầu. Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam cho biết Tetra Pak tái khẳng định ưu tiên chiến lược của công ty trong việc thúc đẩy phát triển bền vững với mục tiêu không phát thải khí nhà kính trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2050, sau khi hoàn thành mục tiêu trung hạn là không phát thải carbon từ các hoạt động vận hành của công ty vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Tetra Pak cũng đặt mục tiêu giảm lượng khí thải theo tiêu chuẩn giảm nhiệt độ toàn cầu 1,50C cho các phạm vi đánh giá 1, 2 và 3 trong sáng kiến các mục tiêu dựa trên nghiên cứu khoa học. Theo đó, Tetra Pak sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính để đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính trong các hoạt động vận hành của mình vào năm 2030 và hiện thực hóa tham vọng này cho toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2050, gồm: Giảm phát thải từ năng lượng thông qua việc bảo tồn năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng, lắp đặt hệ thống quang điện mặt trời và chọn mua năng lượng tái tạo.

Tetra Park cũng phát triển chuỗi giá trị tái chế bền vững thông qua việc hợp tác với khách hàng, các công ty quản lý chất thải, tái chế, chính quyền địa phương, các hiệp hội trong ngành và các nhà cung cấp thiết bị, thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng xanh tại địa phương. Với sự hỗ trợ từ Tetra Park, thời gian qua Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến (TX.Bến Cát) đã có định hướng rõ nét hơn trong hành trình tăng trưởng xanh. Ông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc công ty chia sẻ “Chúng tôi luôn định hướng hiện đại hóa dây chuyền tái chế giấy để tạo ra các sản phẩm giấy tái chế đạt chất lượng theo tiêu chuẩn thế giới, góp phần nâng cao năng lực tái chế chung của ngành cũng như tạo ra giá trị cao hơn cho người thu gom. Khi đi vào hoạt động đủ công suất, dây chuyền mới sẽ khuyến khích thói quen thu gom vỏ hộp giấy, tạo nguồn cung dồi dào cho việc tái chế vỏ hộp giấy, giúp sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn”.

Kỳ vọng rằng, với thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh và định hướng phát triển gắn với các tiêu chí xanh, sạch và bền vững, các DN nắm bắt nhanh xu thế toàn cầu và tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới.

TIỂU MY

Từ khóa: